02-04-2024 |


GNO - Sống và chết là hai sự kiện không tách rời nhau. Có sinh ra là phải có mất đi. Thường con người chỉ lo phần sống, ít ai màng tới phần chết. Tại sao? Khi nghiền ngẫm về cái chết, có lợi ích gì cho đời sống? Suy ngẫm về cái chết Phần lớn con người đều sợ chết nên không tìm hiểu, thậm chí họ còn tránh né từ “chết”, cho là điều cấm kỵ xui xẻo, và thay thế bằng những từ hoa mỹ như: an giấc ngàn thu, về miền Cực lạc, quy tiên … Bất cứ ai chào đời là đều mang sẵn mầm chết, giống như sinh mạng của vạn vật: cây cối, thú vật, nhà cửa, xe cộ… chỉ khác là sớm hay muộn mà thôi. Riêng con người giả dụ tuổi thọ là 100 năm thì mất 1/3 đời người dùng để ngủ! 20 năm đầu làm thiếu niên, 30 năm cuối là lão niên. Trong 20 năm còn lại thì lo âu, toan tính, bất an, phí phạm bao nhiêu thì giờ, chưa kể những lần bệnh tật mất thêm thời gian hơn nữa! Nhưng có bao nhiêu người sống thọ tới 100 tuổi? Chúng ta biết mình không tồn tại lâu trên trái đất này, nên ý thức về cái chết rất cần yếu. Tìm hiểu cặn kẽ về cái chết giúp ta không sợ chết lại còn biết ơn, vì chết là vị thầy lớn nhất trong đời. Thật vậy, không ai hay hoàn cảnh nào dạy ta nhiều bằng cái chết. Trong lúc con người xung khắc vì phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôn giáo … thần chết chỉ rõ mọi người đều bình đẳng. Khi phần lớn chúng ta lo gom góp tài sản, tranh giành quyền lực, thần chết quét sạch trong khoảnh khắc! Chúng ta biết mình không tồn tại lâu trên trái đất này, nên ý thức về cái chết rất cần yếu. Tìm hiểu cặn kẽ về cái chết giúp ta không sợ chết lại còn biết ơn, vì chết là vị thầy lớn nhất trong đời. Thật vậy, không ai hay hoàn cảnh nào dạy ta nhiều bằng cái chết. Chúng ta có chờ tới giờ phút cuối để thần chết chỉ bảo? Thường thường ai cũng tưởng rằng mình còn sống hoài: “Tôi chưa chết đâu, còn lâu tôi mới chết!”. Do quá quen thuộc, chúng ta nghĩ rằng những người xung quanh, nhất là người thân hãy luôn còn đó và sẽ tiếp tục ở với chúng ta lâu dài. Nhưng nếu biết hôm nay là ngày cuối cùng gặp họ, chúng ta sẽ thương quý họ biết bao! Sao ta không sống như vậy mọi lúc với mọi người? Người nào biết rõ cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, sẽ cân nhắc từng lời nói và hành vi của mình. Họ sẽ không vướng bận vào những chuyện phù phiếm, cũng không xao lãng về những bàn luận không cần thiết. Hãy nhìn lại những sự việc mà ta nghĩ là quan trọng, mình đã mất bao nhiêu thời giờ và năng lượng cho việc làm vô ích? Nếu biết trước chỉ còn một tuần lễ để sống, ta sẽ làm gì trong thời gian ít ỏi còn lại? Những ưu tiên sẽ thay đổi ra sao? Chắc chắn đó là tuần lễ quan trọng nhất và quý giá nhất. Nhiều người muốn kéo dài sự sống bằng cách lo góp thật nhiều tiền của để bảo vệ an toàn; tuy nhiên dù họ mua bao nhiêu bảo hiểm cao cỡ nào cũng không tránh được cái chết vượt ngoài quyền hạn của con người. Giá trị của đời người không tính bằng năm tháng hiện diện, mà tính bằng phẩm chất đã làm lúc đang sống. Thần chết là vị thầy lớn nhắc nhở ta về sự vô thường của vạn vật. Vô thường nghĩa là không còn hoài, mà luôn luôn biến đổi qua thời gian. Đây là chân lý của vũ trụ vận hành khắp muôn loài. Ở Tây Tạng nhiều người đến chỗ thiêu đốt xác để chứng kiến sự tạm bợ của xác thân và cái chết không tránh được. Người nào xem cái chết là thành phần sau cùng của sự sống, người đó sẽ ứng xử dễ dàng khi hoàn cảnh xảy đến; cũng vậy già yếu là giai đoạn tất nhiên của sinh mệnh, ai không chấp thuận sẽ rất đau buồn lúc về già. Bất cứ ai nhìn vào thực tế, nhìn thẳng vào cái chết, sẽ sống trọn vẹn trong hiện tại, không hoài niệm về quá khứ vô ích, cũng không mơ tưởng tương lai hão huyền. Họ xem cái chết là tự nhiên, là thường tình và biết ơn thần chết đã ban tặng thời gian để trải nghiệm và thưởng lãm cuộc sống. Chúng ta đã bỏ phí thời giờ khi để trí óc tự động suy tính, luôn lo nghĩ phải làm gì tiếp theo. Nhiều người cho trí óc “làm việc” trước cả tuần, có khi cả năm, họ không sống trong thực tại, mà sống trong mộng tưởng. Chúng ta đã bỏ phí đời sống, đã không sống trọn vẹn; chính chúng ta tạo nguyên nhân đưa tới bất an trong lúc sống cũng như lúc chết. Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi cách sống, chứ đời sống chẳng đổi thay. Dù ta có mặt hay không, đời sống vẫn tồn tại. Vũ trụ đã hiện diện hàng tỷ năm qua, chúng ta được tham dự một phần rất nhỏ. Sự có mặt ngắn ngủi trong thân xác mong manh, nên sử dụng cách nào đem an vui tới cho mình và cho người. Càng suy ngẫm về cái chết, càng giúp chúng ta biết giá trị của sự sống; biết cuộc sống không dài lâu nên an nhiên sống đời lành thiện, thay vì miệt mài toan tính bất an. Ngoài ra ý thức về cái chết là việc rất cần thiết, chúng ta sẽ không hoảng loạn trong giờ phút cuối. Lúc đó, chúng ta không thể dựa vào bất cứ gì từ bên ngoài, mà chỉ trông cậy vào chính mình. Sợ chết Phần lớn con người đều sợ chết vì bị ám ảnh bởi những hình tượng rùng rợn, khiếp đảm. Trí óc thường suy diễn và phóng đại về cái chết khiến người ta sợ hãi chứ không tìm hiểu. Thường ngày người ta lo bám chặt vào thân xác, tài sản và quyền lực, tới khi gần chết họ rất đau khổ vì phải xa lìa tất cả. Đó là tình trạng những người bị bản ngã điều khiển, có thói quen khát khao ham muốn và rất sợ chết. Nếu có chuẩn bị trước, lúc sắp mất người ta sẽ bình tĩnh tiếp nhận và thanh thản ra đi. Những người này từ trước đã nhận thức chân lý vô thường và nhân quả, đã nuôi dưỡng tinh thần trong an bình và đạo đức. Họ là những người tỉnh thức, không tham sống cũng chẳng sợ chết. Đối với họ, tuần tới chết hay năm tới chết không có gì khác. Nếu không tỉnh sáng, khi thân xác sắp tan rã, nhập với cảm xúc đau đớn thái quá khiến con người mất hết khả năng tập trung, sẽ bị rúng động và hoảng loạn trong giờ phút cuối. Vậy làm sao để chết bình an, không đau khổ? Chỉ có cách duy nhất là lúc sống gắng tạo những hành vi lành thiện, vun bồi vốn liếng đạo đức, làm toàn nhân tốt; chắc chắn giờ phút cuối sẽ có quả an lành. Muốn vượt qua nỗi sợ chết, chúng ta phải giảm bớt “cái tôi\', cái bản ngã lúc nào cũng gây tạo vấn đề. Chính chúng ta cho đầu óc quá nhiều “việc” để làm: phải làm sao có nhiều tiền, phải hành xử thế nào để củng cố địa vị, phải làm sao để nổi tiếng, phải buộc con cái làm thế này thế nọ, vân vân và vân vân… Bệnh và chết đều là sự kiện tự nhiên của thân xác, không người nào tránh khỏi. Lúc đau ốm mà quá lo buồn vì sợ chết thì bệnh sẽ càng nặng thêm. Khoa học cũng mô tả quá trình của cái chết chỉ là sự hao mòn sinh lý của cơ thể, là giai đoạn cuối cùng của sinh mệnh. Người tỉnh thức không ngại đề cập tới cái chết, họ xem chết là thường tình và luôn sống tốt nên lúc đối diện với cái chết, họ rất trầm tĩnh và an ổn. Người nào tâm niệm chết là điều chắc chắn, người đó sống rất tích cực, giống như có người bên cạnh luôn nhắc nhở: “Bạn hãy nhìn thật kỹ, lại thêm một ngày nữa hết rồi!”. Khi có người thân quen sắp lìa đời, chúng ta nhớ giúp họ bằng cách nhắc nhở những việc lành thiện họ đã làm lúc đang sống. Người hiểu biết nhân quả và vô thường sẽ chẳng sợ chết, chỉ vì bản ngã không muốn chết nên rất sợ vô thường, sợ những thay đổi bất toàn. Người nào chống đối vô thường tức muốn sống mãi trong già nua cạn kiệt. Lúc đó người già cỗi yếu kém, bệnh hoạn, đi đứng khó khăn, làm phiền nhiều người; chúng ta không ai thích tình cảnh này, nhưng sao lại sợ chết? (đầu óc con người dẫy đầy mâu thuẫn mà ta cứ nghe theo, lại còn bảo vệ nữa!). Tập chết Không có sách vở nào chỉ cách tập chết. Dù người thời nay không còn mê tín dị đoan khi nói tới cái chết, nhưng ít ai đào sâu lĩnh vực này vì cho là bi quan yếm thế và chưa cần thiết. Tuy nhiên, để không sợ chết, chúng ta cần tập chết trước khi chết. Trước khi tập chết, chúng ta cần tập thở cho thuần thục. Tập thở Từ khi sinh ra, thở là hoạt động sinh lý tự nhiên nên ít ai để ý. Tuy nhiên nếu biết sử dụng, hơi thở là phương tiện rất tốt giúp đầu óc thư giãn, giúp thân thể khỏe mạnh, thậm chí hơi thở còn có thể chữa lành nhiều bệnh tật. Tập thở tức là thở có ý thức, hay là theo dõi hơi thở. Chúng ta biết rõ đang chú ý hít vào chầm chậm và thở ra từ từ. Ban đầu rất dễ xao lãng vì cái đầu quen thói phản đối. Cái đầu sẽ thì thầm: “Ai cũng biết thở, cần gì phải tập!”, “Theo dõi hơi thở chán lắm, có một chuyện làm hoài”, “Phí thời giờ, vô ích!”. Muốn cái đầu bớt lải nhải, chỉ có cách là theo dõi hơi thở triệt để. Việc này có lợi hơn nhiều vì: Đầu óc được nghỉ ngơi, thư giãn; Hít thở sâu đem nhiều oxy vào, cơ thể mạnh khỏe; An trú trong hiện tại, không bị lôi về quá khứ hay tương lai. Ban đầu nên tập thở lúc rảnh và không ồn để dễ tập. Có thể xem đồng hồ coi mình theo dõi hơi thở được bao lâu, hoặc đếm hơi thở. Dần dần sẽ quen và quan sát hơi thở lúc nào cũng được, hễ nhớ là làm, không mất công, không tốn của và lợi ích rất lớn. Tập chết Sau khi tập thở thuần thục, chúng ta mới tập chết. Tập chết nghĩa là chuẩn bị trước để khi sự cố đến ta không thấy khó khăn. Mỗi tối trước khi ngủ, chúng ta dành một khoảng thời gian hoặc ngồi hay nằm yên, theo dõi hơi thở liên tục. Một lúc sau, lắng sâu vào trong tĩnh lặng, không còn tư tưởng nào trong đầu, cảm xúc cũng im bặt. Chúng ta từ từ chìm sâu vào giấc ngủ giống như đang chết. Sáng sớm thức giấc cũng nằm yên, khép mắt, thân thể bất động và theo dõi hơi thở triệt để. Khi lắng sâu vào trong tĩnh lặng, tư tưởng và cảm xúc đều im vắng. Càng về sau, thời gian tĩnh lặng càng kéo dài, tâm sẽ quen an định trong giờ phút cuối. Con người thường coi cái chết là đáng sợ và tìm đủ mọi cách để kéo dài sự sống. Thật ra cái chết rất là kỳ diệu, nó không phải là sự mất mát cuối cùng, mà là bước chuyển tiếp sang một hình thái tồn tại mới. Cái chết và sự sống là hai thành phần của một quá trình liên tục. Cuộc sống là một phần của cái chết, và cái chết là một phần của cuộc sống. Tập chết không những có lợi khi gần chết, mà còn lợi nhiều lúc còn sống. Do chúng ta thường xuyên theo dõi hơi thở, khả năng tập trung ngày càng cao, định lực phát triển, trí huệ sáng suốt. Thực tập liên tục hàng ngày để làm quen với cái chết, đến giờ phút cuối chúng ta sẽ thấy bình thường như sắp đi ngủ, một giấc ngủ dài… Ngoài ra, chúng ta luôn tâm niệm 5 điều sau đây: Chết là lẽ tự nhiên, không ai tránh khỏi. Chết không đem theo bất cứ gì; lúc sống nên quan tâm và giúp đỡ người khác. Khi gần chết, người thân, tài sản không giúp gì được; chỉ nhớ những việc làm tốt để ra đi thanh thản. Đời sống ngắn ngủi, không nên phí phạm. Cái chết càng ngày càng gần, nhắc nhở ta sống đời thiện lành. Con người thường coi cái chết là đáng sợ và tìm đủ mọi cách để kéo dài sự sống. Thật ra cái chết rất là kỳ diệu, nó không phải là sự mất mát cuối cùng, mà là bước chuyển tiếp sang một hình thái tồn tại mới. Cái chết và sự sống là hai thành phần của một quá trình liên tục. Cuộc sống là một phần của cái chết, và cái chết là một phần của cuộc sống. Chúng hỗ tương và liên kết nhau, cái chết không phải là kết thúc sự sống, mà là một phần của cuộc hành trình. Chúng ta không tránh được cái chết, nhưng có thể tiếp nhận nó bình thản và tự nhiên do ta đã tập chết từ trước. Trong đời sống hàng ngày, việc đón nhận cái chết giúp ta đối diện với mọi thách thức sâu sắc hơn. Chúng ta học cách trân trọng từng khoảnh khắc, từng mối quan hệ, và từng trải nghiệm. Khi đón nhận cái chết, chúng ta có khả năng sống mỗi ngày với ý thức cao hơn và biết ơn tất cả. Chúng ta sẽ bình tĩnh, ít lo âu, và tập trung vào những giá trị của cuộc sống. Chúng ta hiểu rằng mọi thứ đều thay đổi và tạm thời, nhưng quan trọng hơn cả là sự sống và cái chết liên kết nhau tạo nên cuộc hành trình vĩnh cửu của tâm hồn. Kathy Thủy Nguyễn/Báo Giác Ngộ Nguồn: giacngo.vn