1. Cuối tháng 10 năm ngoái, tôi có dịp đi công tác Thái Lan và có duyên được ghé thăm hai ngôi chùa Việt tại thủ đô Bangkok, đó là chùa Khánh Vân và chùa Cảnh Phước. Người hướng dẫn chúng tôi thăm chùa Việt tại Thái là thầy Châu Viên và sư Giác Minh Luật, hai vị tu sĩ trẻ đang nghiên cứu, học tập tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), là một trong hai trường đại học Phật giáo ở Thái Lan.

   Thầy Châu Viên cho biết, ở Thái Lan có tới 20 ngôi chùa Việt Nam, riêng ở thủ đô Bangkok thì có 7 ngôi. Tại đây, Phật tử tới chùa được hướng dẫn tụng kinh, niệm Phật bằng tiếng Việt, nhiều thầy tu tại chùa Việt tông còn là người Thái.

   Chúng tôi thắc mắc về việc đọc kinh, niệm Phật bằng tiếng Việt thì sư Giác Minh Luật giải thích rằng, các chùa Việt Nam bên đây do những vị tổ người Việt hoặc người Thái, người Hoa nhưng tu theo Phật giáo Bắc tông Việt Nam, duy trì việc đọc, có truyền thống tụng kinh điển bằng tiếng Việt.

Và thật sự ấm lòng khi chúng tôi đến chùa đúng vào thời công phu tối, các thầy tu người Thái, Việt, Hoa hướng dẫn Phật tử cũng “đa dân tộc” cùng đọc kinh bằng tiếng Việt rõ ràng, mạch lạc, nghe không khác chi đang đi chùa ở chính quê nhà.

   Thầy Thích Thiện Tài, là người có hơn chục năm ở Thái Lan học đại học rồi cao học, lưu trú ở chùa Cảnh Phước cho chúng tôi biết, Việt tông ở Thái Lan là một tông phái đặc biệt trong Phật giáo Thái Lan (vốn có truyền thống Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy). Ở đây, chùa Việt cũng được nhiều người Thái, người Hoa tới cúng kính, lễ bái trong tinh thần kính mến những giáo lý dạy về tình thương yêu rộng lớn của Đức Phật. Những người Việt tại Thái Lan nhớ nhà, nhớ quê cũng tìm tới chùa để thăm viếng, trò chuyện cùng những tu sĩ Việt Nam sang đây học tập.

   “Nhất là dịp Vu lan báo hiếu, những hoạt động của cộng đồng người Việt tại Thái trong niềm tri ân, báo ân, bồi dưỡng tâm hiếu rất được hưởng ứng, nhất là giới trẻ. Những ngày ấy, các ngôi chùa Việt như một sợi dây kết nối bà con đồng hương xa xứ lại, để cùng hướng về đất mẹ mà tri ân, bên cạnh niềm tri-báo ân sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ”, thầy Thiện Tài chia sẻ.

   2. “Chùa Đại Bi Tâm - Gnosjo (Thụy Điển) có mở lớp dạy tiếng Việt cho con em đồng bào Việt kiều, thế hệ sinh ra vào lớn lên ở trời Tây”, Đại đức Thích Giác Nhường, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Đắk Nông, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, người đã có đôi lần thăm viếng nhiều ngôi chùa Việt ở châu Âu cho biết.

a PGTT 2.jpg
Lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào ở chùa Đại Bi Tâm (Thụy Điển) - Ảnh: Giác Nhường

   Tới thăm lớp học đặc biệt này và có đứng lớp chia sẻ về ngôn ngữ quê nhà với các bạn trẻ ở đấy, thầy Giác Nhường bày tỏ: “Đây là những lớp học rất đặc biệt và ý nghĩa, dù mỗi lớp chỉ vài bạn, nhưng để truyền trao được cho các bạn tiếng quê là cả quá trình nỗ lực của thầy cô giáo và các tình nguyện viên lẫn học viên”.

   Theo Đại đức Giác Nhường, nơi đây người Việt không đông, nên việc dạy và dùng tiếng Việt trong giao tiếp là hiếm hoi. Chỉ khi về nhà với gia đình thì các bạn nhỏ mới nghe được tiếng Việt, trong khi đó ba mẹ phải thường xuyên đi làm, học hành và sinh hoạt với các bạn ở bản xứ nên tiếng Việt dần lạ lẫm với các bạn. Chính vì thế, “khi lớp học tiếng Việt mở vào Chủ nhật hàng tuần tại chùa, bà con người Việt rất vui và khuyến khích cho con em đến học”, thầy Giác Nhường kể.

   3. Ngày nay, nhiều ngôi chùa được mọc lên nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc và trở thành cột mốc biên giới - tâm linh như những ngôi chùa ở Lạng Sơn hay Trường Sa (Khánh Hòa). Hồn dân tộc được che chở bởi mái chùa thiêng từ cổ chí kim bằng việc chung tay gìn giữ bình yên đất nước và khi những mái chùa Việt được mọc lên ở xứ người thì hồn dân tộc, nếp sống của tổ tông được lưu truyền bằng nếp sinh hoạt tín ngưỡng Việt thông qua những lớp dạy tiếng Việt hoặc những thời kinh tụng bằng tiếng mẹ đẻ thân thương...

   An Lạc

   (giacngo.vn)