GNO - Sau hai ngày của khóa tu thiền chuyên sâu do HT.Pomnyun Sunim hướng dẫn, hội nghị 2 năm một lần của Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) phối hợp với Tổ chức Jungto Society chính thức bắt đầu vào thứ Tư, ngày 26-10 vừa qua.

Một phiên sơ bộ về nữ giới Phật giáo cũng được tiến hành trong khuôn viên của ngôi chùa lịch sử Unmunsa ở tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc.

Với chủ đề “Sự đoàn kết của Tỳ-kheo-ni trong thế kỷ XXI”, phiên thảo luận đầu tiên của hội thảo tập trung vào vai trò quan trọng của những người nữ xuất gia như một phần của tứ chúng Phật giáo, cũng như xem xét những trở ngại và thách thức mà chư Ni châu Á và trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Địa điểm tiến hành sự kiện đã được lựa chọn cẩn thận để phù hợp với chủ đề của hội thảo, Unmunsa (운문사) là ngôi chùa cổ kính ẩn mình trong không gian yên bình ở vùng phía Nam của dãy núi Taebaek.

Được xây dựng vào năm 560 trong thời kỳ Tam Quốc (57 trước Tây lịch – 668 sau Tây lịch), Unmunsa là một ngôi chùa thuộc tông phái Tào Khê của Phật giáo Hàn Quốc. Năm 1950, Unmunsa trở thành giới trường thọ giới Tỳ-kheo-ni đầu tiên của quốc gia và hiện là trung tâm đào tạo lớn nhất của cả nước dành cho chư Ni đã thọ giới Cụ túc. Ngôi chùa là nơi cư trú của 270 vị Ni, và đã đào tạo được được 1.250 vị Tỳ-kheo-ni trong tổng số 8.000 vị ở Hàn Quốc.

Khách mời danh dự của sự kiện này là Sulak Sivaraksa, người sáng lập Tổ chức INEB, đồng thời là một học giả, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, Pomnyun Sunim, người sáng lập Jungto Society và là cố vấn danh sự của INEB. Tại Unmunsa, họ được tiếp đón bởi Ni sư Myeongseong Sunim 93 tuổi, người đã lãnh đạo Unmunsa từ năm 1970 và cũng là nhân vật có vai trò to lớn trong việc thiết lập lại truyền thống Tỳ-kheo-ni ở Hàn Quốc và trên khắp châu Á.

Trong bài phát biểu của mình, Ni sư Dhammakala, Viện trưởng của Thippayasathandhamma Bhikkhuni Arama, Thái Lan, đã nêu ra những trở ngại lớn lao mà Ni giới ở Thái Lan đang phải đối mặt. Thái Lan là một quốc gia chủ yếu theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, với 94,5% dân số là Phật tử. Tuy có đến khoảng 40.000 ngôi chùa và gần 300.000 nhà sư nhưng Chính phủ và các tu viện chưa bao giờ chính thức công nhận việc thọ giới Cụ túc của nữ giới xuất gia và 280 vị Tỳ-kheo-ni thường không được đối trọng giống như những thành viên khác trong Tăng đoàn.

Tiến sĩ Tashi Zangmo, người gần đây đã tổ chức một buổi lễ thọ giới lịch sử cho 142 người nữ xuất gia ở Vương quốc Bhutan, đã phân tích về sự kiện Đức Phật cho phép người nữ được xuất gia, cách mà nó được truyền bá khắp Ấn Độ và khắp châu Á, cũng như sự thất truyền trước khi đến được các xã hội Kim cương thừa ở vùng Himalaya. Tiến sĩ Zangmo cũng đã đưa ra một số vấn đề gây tranh cãi xung quanh việc thọ giới Cụ túc cho người nữ xuất gia và vị trí hiện nay của những vị Tỳ-kheo-ni đối với Phật giáo Vương quốc Bhutan.

Diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30-10 tại Hàn Quốc, hội nghị là cuộc họp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ hội nghị quốc tế trước đó của INEB diễn ra vào năm 2019. Tập trung vào chủ đề “Phật giáo trong một thế giới chia rẽ”, hội nghị hướng đến mục tiêu phát triển lộ trình chiến lược 10 năm của INEB được đề ra vào năm 2017 cũng như mở rộng phạm vi tiếp cận với các phong trào xã hội cùng chí hướng.

INEB được thành lập tại Thái Lan vào năm 1989 bởi học giả, nhà hoạt động và nhà phê bình xã hội nổi tiếng người Thái Lan Sulak Sivaraksa cùng với một số nhà tư tưởng Phật giáo và phi Phật giáo và các nhà hoạt động xã hội.

Tổ chức được thành lập với mục đích kết nối các Phật tử có tư tưởng nhập thế trên khắp thế giới để thúc đẩy sự thấu hiểu, hợp tác và nối kết giữa các nhóm Phật giáo và liên tôn giáo, đồng thời giải quyết các vấn đề toàn cầu như nhân quyền, giải quyết xung đột và khủng hoảng môi trường. Các thành viên của INEB bao gồm các nhà sư, nữ tu, nhà hoạt động xã hội và học giả từ hơn 25 quốc gia ở châu Á, châu Úc, châu Âu và Bắc Mỹ, cùng làm việc dưới sự bảo trợ của kalyana-mitrata (thiện hữu tri thức).

Phổ Tịnh tổng hợp/Báo Giác Ngộ

Nguồn: giacngo.vn