GNO - Trong lý lịch, chúng tôi khai nghề nghiệp của má là “nội trợ”. Sau này lớn lên, hiểu ra mới thấy trong nhà, má không phải “trợ” (nghĩa là “giúp”) mà là “tướng” (nghĩa là “chỉ huy”). Phải gọi má là “nội tướng” mới phải lẽ.

Sinh 10 đứa con, cả tuổi thanh xuân của má gần như dành trọn cho các con, quần quật cả ngày, má không một lời ta thán. Thương cha tảo tần xuôi ngược, suốt ngày bám chợ, má quán xuyến trong gia đình tươm tất đâu vào đó.

Má chăm lo các con từ miếng ăn, giấc ngủ; đánh thức mỗi sáng để đến trường; kiểm tra bài vở chúng tôi mỗi tối… Thời gian của má trong ngày gần như kín mít.

Chúng tôi lớn khôn, từng đứa bắt đầu xa má. Đứa đi làm xa, đứa có công việc gần cũng ít khi về nhà đúng giờ như thuở nhỏ. Hằng đêm, má vẫn ngồi chờ từng đứa con về nhà đầy đủ rồi mới đi nằm. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn không ít lần cự nự: “Má lo gì. Đi ngủ sớm đi cho khỏe”. Má cằn nhằn: “Đi tới quên nhà cửa”…

Lần lượt chúng tôi lập gia đình. Từng đứa bắt đầu ra riêng. Thời buổi khó khăn, chúng tôi cũng chẳng giàu có gì nên việc chăm lo cho má cứ tự nhủ trong lòng: “Thôi để từ từ”. Chúng tôi vô tâm đâu biết rằng má mỗi ngày mỗi già, mà "mẹ già như chuối chín cây”.

Các cháu nội, ngoại lần lượt ra đời. Những buổi họp mặt gia đình ồn ào, náo nhiệt bởi "tam đại đồng đường". Má vẫn giữ thói quen điểm danh từng đứa, và vẫn điệp khúc cằn nhằn “Đi đâu mà về trễ vậy?”…

Khoảng thời gian sau này, khi rãnh rỗi, má thường đi chùa. Đêm về má nghe kinh, rồi kể lại lời kinh cho con cháu nghe. Dù má không đủ văn hoa để diễn thuyết lời Phật dạy, nhưng má thật lòng nên lời má khuyên răn các con làm lành, lánh dữ, nghe mà thấm thía làm sao.

Nhưng cơn tai biến bất ngờ đã quật ngã má trong một buổi sáng nhà vắng vẻ. Đứa em gái hốt hoảng réo gọi từng anh chị em đưa má vào viện. Từ đó, má suy sụp hoàn toàn, cử động, nói năng bắt đầu gặp khó. Mấy đứa em thay phiên nhau ngày đêm chăm sóc má. Nhưng sau thời gian cầm cự, má đã thanh thản ra đi.

Không còn thấy má tới lui trong nhà, ngó trước xem sau; không còn tiếng “cằn nhằn” của má mỗi khi anh em về trễ lúc họp mặt; không còn nghe má kêu từng đứa cháu đến “hun” mỗi đứa một cái; không còn được má sắp xếp mua món gì ngày cúng giỗ, lễ, Tết; không còn nghe tiếng kinh Phật văng vẳng từ phòng má…

Vu lan năm nay về, không còn má nữa rồi. Ai là “nội tướng” trong gia đình đây? Dù hiện tại, anh em chúng tôi có người đã bước vào hàng lục tuần mà vẫn luôn thấy thiếu má trong lòng.

Trần Đăng Huy

Nguồn: giacngo.vn