GNO - Hệ phái Khất sĩ - thành viên sáng lập GHPGVN tổ chức đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang (26-9-Quý Hợi, 1923 – 26-9-Quý Mão, 2023), vị khai sáng hệ phái, với một chuỗi hoạt động hội thảo, lễ tưởng niệm, triển lãm… từ ngày 21 đến 27-9-Quý Mão (4 đến 10-11-2023) tại pháp viện Minh Đăng Quang.

Dịp này Báo Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật giáo VN, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, trụ trì tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh) và pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức).

Tổ sư Minh Đăng Quang "vắng bóng" từ năm 1954, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh, hệ phái Khất sĩ tổ chức loạt sự kiện và lần đầu tiên công bố sẽ thắp hương tưởng niệm Tổ sư khai sáng hệ phái như truyền thống đối với các vị đã viên tịch - Ảnh: TLHPKS - Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tổ sư Minh Đăng Quang "vắng bóng" từ năm 1954, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh, hệ phái Khất sĩ tổ chức loạt sự kiện và lần đầu tiên công bố sẽ thắp hương tưởng niệm Tổ sư khai sáng hệ phái như truyền thống đối với các vị đã viên tịch - Ảnh: TLHPKS

- Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

* Trong tác phẩm Chân trời tha phương thuộc Suối về Hoa Nghiêm, sáng tác lúc mới ngoài hai mươi tuổi, xuất bản hơn 50 năm trước, với bút danh Tha Phương Khách, sau này là Trần Quê Hương, Hòa thượng từng viết: “Trả nghiệp Vĩnh Long, Bình Minh, Cái/ Cái Vồn lò lửa hỏa thiêu dồn/ Dây oan gỡ mối thôi oan trái/ Nhất quán hề, tam muội chuyển hôn” khi nói về sự kiện “vắng bóng” của vị Sa-môn trẻ, Tổ sư Minh Đăng Quang. Hòa thượng có thể chia sẻ về cảm thức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư khai sáng Hệ phái Khất sĩ?

Hòa thượng Thích Giác Toàn: Khi hiểu được nhân quả của nhà Phật thì mọi nghiệp duyên mà bản thân thọ nhận ở kiếp này, đều xem đó như một hình thức trả nghiệp. Thuở còn nhỏ tôi được đọc lịch sử Tổ sư, thời điểm thọ nạn, Ngài bình thản trước mọi sự, cảm thấy đó chỉ là tiến trình đi trả nghiệp. Như câu “Dây oan gỡ mối thôi oan trái” - khi nghiệp đến, Tổ sư luôn trong tâm thế hoan hỷ đón nhận những mối dây oan trái đã từng gieo tạo, tháo gỡ đúng nút thắt oan trái của nghiệp cũ. Để rồi “Nhất quán hề tam muội chuyển hôn”, ví như người đời nếu phải trả nghiệp, họ luôn oán trách than khóc, rơi vào khổ đau, tìm mọi cách vẫy vùng thoát khỏi; còn đối với Tổ sư, Ngài biết trước những gì sắp xảy đến với mình, hoan hỷ thọ nhận và bước đi một cách điềm nhiên trên lộ trình của cuộc hành đạo vẫn diễn ra hàng ngày.

Chính sự điềm tĩnh và bình thản ấy của Tổ sư, không tìm cách thoái thác mà thay vào đó là thọ nhận nghiệp duyên, nhằm gỡ mối oan trái, trả nghiệp một cách hoan hỷ, đã làm thức tỉnh và rung động bao thế hệ đệ tử Khất sĩ, trong đó có tôi.

Tổ sư Minh Đăng Quang
Tổ sư Minh Đăng Quang

600 tịnh xá sẽ thắp hương tưởng niệm Tổ sư

* Trong tâm tưởng của Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ, 70 năm nay, kể từ khi Tổ sư vắng bóng đã nghĩ rằng Ngài chỉ đi “tu tịnh” chứ chưa viên tịch. Do vậy, cho đến nay người con Hệ phái Khất sĩ vẫn không tiến hành nghi thức tưởng niệm, hay thậm chí là thắp hương tưởng niệm như đối với các bậc Thầy Tổ đã viên tịch. Xin Hòa thượng nói thêm về điều này…

- Thật ra điều này không có gì để nghi hoặc hay phản đối, bởi lẽ ngay từ đầu, Tổ sư dặn rằng Ngài chỉ đi tu tịnh và sẽ sớm trở về. Sau đó, Ngài thọ nạn và chưa có bằng chứng gì cho thấy Ngài đã tịch và viên tịch tại đâu, thời gian như thế nào. Cũng chính vì không rõ như vậy nên trong tâm tưởng của người con Khất sĩ vẫn tin rằng Ngài còn đang tu tịnh ở một nơi nào đó. Chư tôn đức lãnh đạo Hệ phái cũng đi đến quyết định không thắp hương tưởng niệm, mà chỉ tiến hành nghi thức tưởng nhớ ngày Tổ sư vắng bóng vào ngày 1-2 âm lịch hàng năm.

* Nhân lễ Tưởng niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang, Hệ phái Khất sĩ tổ chức chuỗi các sự kiện nội bộ cũng như mở rộng. Hòa thượng có thể chia sẻ về nội dung quan trọng và các lưu ý đối với Tăng Ni, Phật tử hữu duyên mong muốn tham dự sự kiện đặc biệt này?

- Đây là một sự kiện đặc biệt đối với Hệ phái Khất sĩ, không chỉ tưởng niệm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, dịp này - 100 năm kể từ ngày sinh của Ngài - cũng sẽ đánh dấu cột mốc Hệ phái Khất sĩ bắt đầu dâng hương tưởng niệm Tổ sư viên tịch, chấp nhận sự xả bỏ báo thân của Ngài theo lẽ thường tình.

Như vậy, trong sự kiện lần này, Hệ phái sẽ chính thức thông báo và tiến hành thắp hương tưởng niệm Tổ sư. Riêng đối với việc ấn định thời gian cụ thể làm ngày tưởng niệm Tổ viên tịch, đến nay vẫn chưa được chư tôn đức Hệ phái thống nhất quyết định. Dự kiến sẽ sớm công bố trong thời gian sắp tới, sau khi Hệ phái họp bàn kỹ lưỡng.

Ngoài ra, trong sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, bên cạnh các hoạt động nội bộ, Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ nói riêng và Phật tử cũng cần lưu tâm đến các việc sau:

Thứ nhất là Hội thảo khoa học 100 năm, đây là dịp để mỗi Tăng Ni, Phật tử bày tỏ tấm lòng hướng về Tổ sư, do đó cần tích cực tham gia. Thứ hai, với khoảng từ 500 đến 600 ngôi tịnh xá thuộc Hệ phái Khất sĩ đều đã có di ảnh chân dung của Đức Tổ sư và kể từ đây sẽ thiết lập thêm lư hương trước di ảnh của Ngài để tiến hành nghi thức dâng hương.

Với quy mô của sự kiện lần này, Hệ phái đã đi đến thống nhất, tất cả các Giáo đoàn đều sẽ tham dự, với mỗi Giáo đoàn bao gồm một số Tăng Ni đại diện - giới hạn theo quy định của Hệ phái. Riêng đối với Phật tử Hệ phái và Phật tử thập phương, sẽ không có sự giới hạn nào, mọi người đều được hoan hỷ tham dự như các sự kiện trước nay của Hệ phái.

* Công tác chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm đến nay như thế nào, thưa Hòa thượng?

- Đối với Hội thảo, đến nay đã có hơn 100 bài viết tham dự gửi về Ban Tổ chức. Các bài tham luận sẽ được in vào kỷ yếu sau Hội thảo. Một số công tác khác cũng đang từng bước hoàn thiện trước ngày diễn ra sự kiện.

Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp cho cư sĩ
Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp cho cư sĩ

“Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”

* Trong Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1981, Hòa thượng là một trong những đại biểu trẻ đại diện cho Hệ phái Khất sĩ tham gia Ban Vận động, đại biểu chính thức và Hệ phái Khất sĩ đã trở thành đại diện 1 trong 9 tổ chức thành viên sáng lập GHPGVN. Hòa thượng từng nhận định khiêm tốn, đại ý rằng “Phật giáo Khất sĩ là hệ phái đàn em, đàn út trong gia đình của Phật giáo Việt Nam”. Dịp này, Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về lịch sử hình thành và phát triển của Hệ phái trong bối cảnh phát triển chung của Giáo hội?

- Từ năm 1944 – 1954, trong 10 năm Tổ sư Minh Đăng Quang trực tiếp hành đạo đã để lại hơn 20 ngôi tịnh xá với khoảng hơn 100 Tăng Ni đệ tử xuất gia. Sau đó, khoảng 20 năm (từ năm 1955 – 1975), Tăng Ni đệ tử của Tổ sư đã đứng ra thành lập các Giáo đoàn, Ni đoàn và đi hành đạo khắp miền Nam và miền Trung. Sau năm 1975, mỗi Giáo đoàn theo thời cuộc cũng tự phát triển trong sự chủ động.

Chư Tăng đệ tử trực tiếp của Tổ sư đến nay tất cả đã viên tịch, riêng về chư Ni có lẽ còn một vài vị là đệ tử trực tiếp của Tổ, hiện đang lưu trú tại tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp, TP.HCM), tịnh xá Ngọc Quang (Gò Công, Tiền Giang), tịnh xá Ngọc Khánh (Long Khánh, Đồng Nai). Số lượng Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tính đến nay vẫn chưa thể thống kê con số chính xác, có thể nói đã tăng lên đến vài nghìn vị so với thời điểm Đức Tổ sư lập đạo, nay khoảng 4.000-4.500 vị.

Ảnh minh họa: Vũ Giang

Ảnh minh họa: Vũ Giang

Về số ngôi tịnh xá, trong và ngoài nước hiện có khoảng trên dưới 600 ngôi, nhiều hơn gấp khoảng 30 lần số lượng buổi đầu. Tín đồ cư sĩ Phật tử theo đó cũng đông lên mỗi năm. Những số liệu cơ bản ấy cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng cho Hệ phái nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, so với các truyền thống khác như Bắc và Nam tông, Hệ phái Khất sĩ có lịch sử khá trẻ, và đó là suy nghĩ để chúng tôi có lời thưa một cách chân thành như vậy.

* Sau 70 năm kể từ ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Hệ phái Khất sĩ đã có những chuyển biến nào tích cực và những gì cần lưu ý trong tiến trình phát triển của Hệ phái, thưa Hòa thượng?

- Phương châm hành đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, đó là tinh thần tu tập đặc sắc nhất của Tổ, được thể hiện y như vậy qua cuộc đời hành đạo của Ngài. Đến thời của các Đức Thầy, đệ tử trực tiếp của Tổ, tâm nguyện ấy được thực hiện chỉ còn khoảng 2/3 so với ban đầu.

Cho đến nay, vào thời đại văn minh phát triển hơn, vật chất chi phối mọi thứ mạnh mẽ hơn, nhiều thứ cũng đổi thay nhanh chóng và đi xa hơn với di nguyện của Tổ. Một số thay đổi ấy nằm trong tiến trình phát triển tất yếu của xã hội, như việc xây dựng tịnh xá bằng bê-tông cốt thép so với thời của Tổ là bằng gỗ và lá.

Hay nghi thức trì bình khất thực cũng bị hạn chế, do sau năm 1975 Nhà nước kêu gọi tăng gia sản xuất và đến nay việc khất thực cũng dừng lại - khế hợp với quy định của Giáo hội và Nhà nước, trừ những ngày lễ đặc biệt. Bên cạnh đó, trước đây chư Tăng thay đổi nơi lưu trú tu học 3 tháng một lần, đến nay do quy định chặt chẽ của Nhà nước về hộ khẩu, nên một vị Khất sĩ có khi lưu trú tu học tại một nơi suốt mấy mươi năm.

Đó là ba điểm thay đổi lớn nhất so với di huấn của Tổ sư. Điều này cũng đồng thời đòi hỏi hơn về năng lực tu tập của mỗi người Khất sĩ. Theo đó, mỗi vị Khất sĩ cần tự rèn luyện chính mình, tự mình phải điều phục và xả bỏ tham-sân-si trong chính tâm thức tu hành của mình, để vừa khế hợp với thời duyên cảnh ngộ mà vẫn giữ vững được tinh thần phương châm của Tổ Thầy. Đó mới là điều quan trọng, giúp tăng trưởng đạo hạnh, oai nghi của mình, đi đến làm vững mạnh Tăng đoàn và gìn giữ truyền thống tốt đẹp theo lời dạy của Tổ sư.

Hơn hết, trước cám dỗ của vật chất văn minh, nếu mỗi người con Khất sĩ có thể tập cho tâm nhẹ vui, nhẹ buồn, nhẹ giận, nhẹ thương, nhẹ ghét, nhẹ muốn, tức xả bỏ thất tình lục dục, tự thu nhiếp chính mình, đó mới là hạnh của người tu, là pháp tu chơn chánh theo tinh thần của Tổ Thầy. Hoàn cảnh chung có thể thay đổi, song tinh thần căn bản của Tổ sư, với phương châm hành đạo “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” thì không bao giờ chuyển dịch.

Tổ sư Minh Đăng Quang cùng chư Tăng thường mượn hoa viên Châu Thành (Công viên Tao Đàn), vườn Ông Thượng, để nghỉ chân cúng ngọ và độ nhân (1952)
Tổ sư Minh Đăng Quang cùng chư Tăng thường mượn hoa viên Châu Thành (Công viên Tao Đàn), vườn Ông Thượng, để nghỉ chân cúng ngọ và độ nhân (1952)

* Vậy làm sao để Tăng Ni vừa có tinh thần khế hợp với thời duyên cảnh ngộ, lại vẫn có thể giữ gìn tinh thần tu tập của Tổ Thầy, thưa Hòa thượng?

- Hiện nay, mỗi Giáo đoàn đều có ngày tưởng niệm Tổ sư vắng bóng và ngày tưởng niệm của các Đức Thầy trưởng Giáo đoàn, nhân đó các vị giáo phẩm của mỗi Giáo đoàn kết hợp cùng chư tôn đức Hệ phái Khất sĩ tổ chức các khóa tu Truyền thống Khất sĩ, Bồi dưỡng Đạo hạnh, Bồi dưỡng Trụ trì… Trong đó, đưa những điều căn bản trong tinh thần tu tập của Tổ sư, nhắc nhở Tăng Ni như một cách hướng dẫn, trợ duyên trên con đường tu tập của các vị. Riêng về việc tu tập còn dựa vào ý thức và sự tự giác, nỗ lực tự tu, tự rèn giũa chính mình của từng vị.

Nối tiếp con đường Tổ Thầy

* Kể từ khi đất nước thống nhất, Hòa thượng được xem là trụ cột tiếp nối với vai trò vô cùng quan trọng trong Hệ phái Khất sĩ, giúp gìn giữ mối đạo của Tổ sư. Hòa thượng đã thuộc lòng Bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang và diễn kệ Bộ Chơn lý vừa được xuất bản mới đây. Hòa thượng có thể chia sẻ về những ấn tượng của mình với Bộ Chơn lý và quá trình chuyển kệ toàn bộ nội dung Chơn lý?

- Bộ Chơn lý có thể được coi như lời di huấn của Tổ sư Minh Đăng Quang và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hệ phái Khất sĩ. Tôi đặc biệt tâm đắc với từng lời, từng chữ, từng ý pháp của ngài qua bộ Chơn lý. Trong đó, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là cho đến nay, dù nhiều thứ có sự chuyển dời ra sao, Hệ phái Khất sĩ với lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang giữ gìn Chánh pháp và chánh kiến, không hề có việc mê tín dị đoan. Đây là điểm đặc sắc mà đến nay Hệ phái Khất sĩ vẫn gìn giữ được.

Đồng thời, đọc bộ Chơn lý, mỗi người Khất sĩ đều có thể nhìn thấy rõ đường lối tu tập của mình, chuyên trì tu học Kinh - Luật - Luận, sau đó đem thân tu tập hành trì Giới - Định - Tuệ. Tổ sư cũng có pháp tu rất thực tế trong đời sống tu tập, đó là chủ trương: “Giữ thân trong sạch là xứ Phật của mình. Giữ miệng trong sạch là pháp Phật của mình. Giữ ý trong sạch là con Phật”, tức giữ giới luật mà mình đã thọ nhận. Khi tu tập được 3 nghiệp thân-khẩu-ý, Tổ nói vị ấy gìn giữ và trưởng dưỡng hạt giống tâm Bồ-đề. Trải qua nhiều đời như vậy đều tùy vào công năng tu tập của mỗi người.

Nói về bộ Chơn lý, ngày ấy cứ mỗi tuần tôi sẽ thuộc lòng một quyển, cứ như vậy suốt những năm đầu xuất gia, tôi học thuộc gần trọn bộ Chơn lý. Về sau, khi được tiếp cận nhiều nguồn kiến thức, tôi có sự đối chiếu với một số bộ kinh lớn, qua đó cho thấy, những lời dạy của Tổ sư rất gần với lời dạy của chư Phật. Do vậy, tôi rất thích tư tưởng truyền bá Chánh pháp, tuyệt đối tin tưởng vào nhân quả của chính mình, như Đức Tổ sư dạy, tự mình tháo gỡ oan trái của chính mình. Những lời dạy của Tổ sư, bản thân tôi cảm nhận đều ứng hợp với thời duyên cảnh ngộ, đây cũng là lý do tôi tâm đắc với bộ Chơn lý.

Quá trình diễn kệ cho bộ Chơn lý đến từ khoảng thời gian tôi gặp bệnh nặng, buộc phải ngồi một chỗ. Cách đây hơn 10 năm, tình cờ trong sự kiện đất nước ngàn năm Thăng Long, nhớ ơn các thiền sư đời Lý - Trần, nghĩ mình cần làm gì đó để báo ân các ngài và tập Hương thiền ngàn năm theo đó ra đời. Tôi sáng tác trong 120 ngày, tức 4 tháng cho 120 bài, mỗi ngày bình quân một bài, chuyển dịch thơ văn Lý - Trần.

Cũng như vậy, đối với bộ Chơn lý, tôi thực hiện trong 10 tháng ròng, diễn ra thành 5 tập, với những nội dung đi sát chủ đề và từng lời dạy của Tổ sư trong Chơn lý. Đối với tôi, sự bám sát từng câu chữ, ý pháp của Tổ sư chính là sự tôn trọng, tuân thủ tôn chỉ, ý pháp của Tổ Thầy. Cái hay của Chơn lý là không có sự huyền hoặc, cũng y như vậy với cuộc đời của Tổ sư Minh Đăng Quang, không hề có sự tô bồi, thêm bớt.

Không chỉ khi chuyển kệ bộ Chơn lý của Tổ sư, ngay từ thuở nhỏ, khi lần đầu được tiếp cận với ý pháp của Tổ sư qua bộ Chơn lý, tôi đã cảm thấy rất hoan hỷ, gần gũi và thực tế, từ đó mà dễ học thuộc, đi sâu vào tâm thức của mình. Từ từng lời dạy ấy mà giúp tôi rõ biết hơn con đường tu tập, hành trì giáo pháp của mình. Cần hiểu rằng tu tập là phải tự nhận biết chính mình, tự hỏi chính mình, tự rèn giũa chính mình, đó chính là cái được của đạo, cái được ấy chính là không được, cũng chính là rỗng lặng, tu tức là trở về chơn tánh của chính mình.

* Lúc nãy Hòa thượng có nhắc đến bệnh duyên, cũng là cơ duyên để Hòa thượng có thời gian tập trung chuyển kệ. Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về hiện trạng sức khỏe của mình?

- Trong mối tương quan nghiệp duyên sanh tử nhiều đời nhiều kiếp, đến nay bệnh duyên đến, với tôi cũng là điều tất nhiên và là nghiệp quả mà mình phải trả. Thân vốn thuộc về tứ đại, thuộc về cái hữu vi nên ở đời cũng có những pháp hỗ trợ thân, như đi bệnh viện, uống thuốc… Nhờ thuận cảnh, tùy duyên, đến nay, tình hình sức khỏe của tôi đã ổn định hơn, nhưng cũng cần thời gian dưỡng bệnh, hạn chế tiếp xúc tín đồ, một phần giữ cho thân, mặt khác cũng là giữ cho sức khỏe tín đồ đệ tử.

Có thể thấy, sinh-già-bệnh-chết là 4 bước mà một con người đều phải đi qua. Đến giai đoạn bệnh là để chuẩn bị cho viên tịch, tôi luôn giữ cho mình sự hoan hỷ thọ nhận với tâm niệm về thân như vậy. Do đó, lúc còn trẻ, còn nhiều sức lực, điều gì có thể làm hãy tích cực làm, đừng nên lãng phí thời gian, để đến khi già yếu, những điều muốn làm thì sức khỏe lại không cho phép. Đến nay, khi đối trước già-bệnh-chết, không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai cũng cần ngồi lại và nhìn nhận chính mình, những gì làm được rồi sẽ đều là con số 0, nên cũng cần học hạnh buông bỏ; tức là ly xả, buông bỏ một cách nhẹ nhàng.

Là chứng nhân nhiều thăng trầm của thời duyên, gửi gắm đến Tăng Ni trẻ của hệ phái, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ bày tỏ:

Hòa thượng Thích Giác Toàn

Hòa thượng Thích Giác Toàn

- Mong thế hệ Tăng Ni trẻ luôn đặt câu hỏi cho chính mình rằng, có thật sự muốn xuất gia hay không? Nếu thật lòng muốn đi tu để tìm kiếm con đường giải thoát khỏi luân hồi, mỗi người cần nỗ lực tu tập, tu trong chính tự thân của mỗi người, tâm thức phải buông bỏ và xả ly tất cả duyên nghiệp xảy đến với bản thân. Nếu thật lòng muốn đi tu hãy xác quyết con đường của chính mình, có như vậy dù chuyện gì đến với mình, cũng sẽ đều nhẹ nhàng vượt qua, không hề vướng bận. Đó cũng chính là điều quan trọng nhất đối với người xuất gia - câu hỏi sâu trong tâm thức: “Liệu mình có thật sự muốn đi tu?”.

Mỗi Tăng Ni khi xuất gia nếu thấy được tâm nguyện của chính mình, thấy được tâm nguyện của Thầy Tổ, hạnh nguyện của chư Phật, sẽ tự sắp được hạnh nguyện của chính mình, từ đó mà tự tu, tự hành và hoằng pháp được.

Minh Trúc - Lưu Đình Long thực hiện/Báo Giác Ngộ

Nguồn: giacngo.vn