Xuân Đinh Dậu sắp đến, chúng ta thử ngồi lại xem về hình tượng con gà trong lĩnh vực văn học, dân gian và ngay cả những truyền thống của các nền văn hóa khác.


Năm Dậu nói chuyện Gà

NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ

Tết Nguyên đán[1] 2017 tính theo chu kỳ can chi âm lịch thì năm nay gọi là năm Đinh Dậu, tức năm con gà. Hình ảnh con gà là một hình ảnh quen thuộc từ trong dân gian và nông thôn Việt Nam. Âm thanh tiếng gáy của con gà trống buổi sáng sớm bao đời nay đã trở nên quá quen thuộc với mọi người. Cho dù thời tiết có đổi thay, khí hậu có thất thường, ngày mưa cũng như ngày nắng, mỗi sáng gà trống đều gáy để báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mọi người từ đó mà cứ dựa vào tiếng gà gáy để đi ra đồng, đi chợ, đi buôn bán.

Xuân Đinh Dậu sắp đến, chúng ta thử ngồi lại xem về hình tượng con gà trong lĩnh vực văn học, dân gian và ngay cả những truyền thống của các nền văn hóa khác.

Trong dân gian và văn học:

Gà là một biểu tượng cho nền văn minh lúa nước của Việt Nam cho nên không lấy làm lạ là chúng được thể hiện khá nhiều trên trống đồng Đông Sơn. Ngoài ra, theo truyền thuyết về vua Thục Phán - An Dương Vương, vua cố công xây thành nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy, thần Kim Quy báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành mới thành công. Sau khi An Dương Vương giết được con gà trắng thì xây được thành. Và trước đó, trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là một trong ba lễ vật thách cưới của vua Hùng để gả con gái của mình là Mỵ Nương gồm: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao[2].

Trong văn hoá Việt Nam, đặc biệt với nét tranh Làng Hồ, hình ảnh chú lợn ủn ỉn, hình ảnh con gà cục tác lá chanh, là những nét chấm phá về một làng quê Việt Nam an bình, với những triết lý sống nhân bản, thiên nhiên. Tranh Đông Hồ có một bức tranh nổi tiếng về Đàn gà hay Gà mẹ gà con. Nội dung bức tranh thật đơn giản nhưng cũng rất ý nghĩa. Con gà mẹ đang ngậm con ong, đang hiền từ, chăm chút các con. Mười chú gà đứng quanh gà mẹ: con đang rỉa lông, con đang đùa chạy, con nấp dưới bụng mẹ… Mỗi con mỗi vẻ khác nhau, như dường như tất cả đang hướng về một phía, phía miếng mồi của gà mẹ vừa kiếm được. Hai chân gà mẹ giang ra chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đang đứng trên lưng, đồng thời cũng chuẩn bị giữ thế trước sự giành mồi của các con gà, sắp bổ nhào tới. Ngoài cái ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, no đủ, bức tranh còn toát ra một "mối tình mẫu tử" thiêng liêng, một sự đoàn tụ sum vầy của gia đình gà. Bức tranh này thường được mua về để treo trong nhà như một lời chúc cho sự bình an, vô sự của gia chủ, nó cũng là lời chúc cho gia đình con cháu đề huề, vợ chồng mới cưới sớm có con.

Hay bức tranh Gà đại cát chẳng hạn, con gà trống được em bé ôm lại nhưng nó lại đang cố trườn lên phía trước, như đang cố tung cánh thoát thân. Đầu gà ngẩng cao, mắt sáng lên, hai chân dạng mạnh đạp xuống đất, đuôi chổng lên trời… song dường như gà hoàn toàn bất lực trước sức mạnh và sự điềm tĩnh chủ động của em bé. Gà trống được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may. Hình ảnh chú gà trống oai vệ, hùng dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho năm đức tính tốt của người quân tử: tính văn (mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn), tính vũ (cựa gà), tính dũng (không sợ địch thủ), tính nhân (kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại), tính tín (gáy báo giờ chính xác). Do đó, nhà thơ Hoàng Cầm đã viết:

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…[3]

Dân gian phát hiện ra bao tập tính của gà, cảnh ngộ của gà để tạo thành những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò vè nói về tập tính người và nhiều cảnh ngộ khác nhau. Dạy người tôn trọng tình nghĩa, anh em ruột thịt trong một gia đình thì phải biết đoàn kết, không nên chia rẽ thì Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Hoặc nói về kẻ phản bội đem quân thù về dày xéo tổ tiên thì lại nói là Cõng rắn cắn gà nhà. Kẻ huênh hoang cậy oai người khác là Gà mượn lông công. Chê người không biết giữ yên nội bộ, để người ngoài thọc gậy bánh xe, thì Trấu trong nhà để gà ai bới.

Còn nhiều nữa những lời khen, chê nhẹ nhàng, với mong muốn ai cũng tốt hơn lên, giỏi thêm như là chữ xấu như gà bới, hoảng sợ nhớn nhác như Gà gặp quạ ỷ thế nhà mình, làng mình bắt nạt người khác như Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế vườn. Đối đáp không ăn nhập như Ông nói gà bà nói vịt. Lúng ta lúng túng như Gà mắc tóc. Nhìn người, nhìn việc mơ hồ với con mắt quáng gà. Cũng chả thiếu gì lời cảm thông với những cảnh ngộ nghèo khó hoặc không may, chẳng hạn như cảnh đàn ông góa vợ Gà trống nuôi con, cảnh trẻ con thiếu mẹ như Gà con mất mẹ. Thành ngữ Gà mái gáy thường dùng với tính chỉ trích, nói lên người đàn bà tiếm dụng hay làm phận việc của đàn ông.

Cụm từ gà công nghiệp theo nghĩa đen là nói về những giống gà được chăn nuôi theo kiểu công nghiệp chứ không phải theo kiểu nuôi ở tại nhà. Tuy nhiên, theo nghĩa bóng, nghĩa rộng thì gà công nghiệp dùng để chỉ về những người được nuôi dưỡng, bảo bọc, nuông chiều quá mức và không đúng cách đến khi ra đời thì trở nên ngờ nghệch, thói quen sống thụ động, thiếu trải nghiệm, thiếu khả năng xoay xở, cũng như những kỹ năng tự lo cho bản thân, đờ đẫn, chậm chạp, yếu nhược về thể chất và sức khỏe.

Trong kinh điển Phật giáo:

Không bàn về xã hội nữa, chúng ta lại nói đến kinh điển Phật giáo. Có thể nói, hầu hết các thời thuyết giáo của đức Phật đều để lại rất nhiều những thí dụ, ẩn dụ cụ thể, giúp người nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt và dễ suy niệm. Trong kho tàng văn học Phật giáo, từ kinh tạng Nikāya cho đến nền Chú giải Aṭṭhakathā có ghi lại những hình ảnh ẩn dụ, thí dụ đặc sắc ấy.

Ðức Phật, trong mỗi pháp thoại thường dùng thí dụ cụ thể để minh họa cho giáo lý của Ngài. Như trong Tăng chi bộ kinh, đức Phật thuyết về công phu tu tập của một vị Tỳ khưu, Ngài đã mượn hình ảnh con gà để nêu lên thí dụ điển hình. Một vị Tỳ khưu mong mỏi được giải thoát khỏi các lậu hoặc nhưng nếu như vị ấy không chịu nỗ lực tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm quyền, năm lực, bảy bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành thì sự mong mỏi của vị ấy không thể nào thành tựu được. Cũng giống những quả trứng gà nếu không được ấp đúng cách thì không thể nào nở ra được gà con. Ngược lại, nếu vị đệ tử tu tập các pháp ấy thì sẽ được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Cũng ví như người thợ mộc biết cán búa mình bị hao mòn; hay như chiếc thuyền đi biển mắc cạn suốt mùa đông bị gió mưa làm hư dần và mục nát.

Ví như, này các Tỳ khưu, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách.

Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn: “Mong rằng những con gà con của ta, với chân móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn, tuy vậy, các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn!

Vì cớ sao? Này các Tỳ khưu, tám, mười hay mười hai trứng gà mái ấy không được con gà mái nằm ấp một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.

Cũng vậy, này các Tỳ khưu, Tỳ khưu không chú tâm trong sự tu tập, dầu cho có khởi lên ý muốn: “Mong rằng tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ”; tuy vậy, tâm vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.[8]

Hình tượng con gà còn được tìm thấy duy nhất trong bộ Milinda vấn đạo (Milindapañhā) với đầy đủ năm tính chất của con gà trống để lấy đó năm pháp mà vị hành giả cần phải nương theo tu tập. Đức vua Milinda bạch hỏi Tôn giả Nāgasena về năm đặc tính của con gà trống mà vị hành giả nên hành trì là gì? Tôn giả đã giảng giải về năm đức tính ấy cùng với lời giải thích như sau:[9]

- Đức tính thứ nhất: gà trống đi nghỉ ngơi đúng lúc đúng thời. Vị hành giả thiết tha tu tập cũng như thế, vị ấy nên quét dọn sân của bảo tháp đúng lúc đúng thời, rồi nên cung cấp nước uống nước rửa, nên chăm sóc cơ thể, nên tắm rửa, nên đảnh lễ bảo tháp, nên đi đến thăm viếng các Tỳ khưu trưởng lão, rồi nên đi vào nơi trống vắng đúng lúc đúng thời.

- Đức tính thứ hai: gà trống thức dậy đúng lúc đúng thời. Tương tợ, vị hành giả thiết tha tu tập nên thức dậy đúng lúc đúng thời, nên quét dọn sân của bảo tháp, rồi cung cấp nước uống nước rửa, nên chăm sóc cơ thể, nên đảnh lễ bảo tháp, rồi nên đi vào nơi trống vắng thêm lần nữa.

- Đức tính thứ ba: gà trống sau khi bới đi bới lại mặt đất rồi nuốt miếng ăn vào. Y như thế, vị hành giả sau khi quán xét đi quán xét lại rồi mới nên nuốt vật thực vào: “Không phải để chơi giỡn, không phải vì đam mê, không phải để tô điểm, không phải để trang sức, mà chi nhằm để duy trì, để nuôi dưỡng thân thể này, để ngăn ngừa sự tổn hại, để hỗ trợ sự thực hành Phạm hạnh (nghĩ rằng): ‘Như vầy ta tiêu diệt cảm thọ cũ và sẽ không làm sanh lên cảm thọ mới, và sự sống còn, sự không bị chê trách, và sự cư trú thoải mái sẽ có đến ta’.”

Kantāre puttamaṃsaṃva, akkhas­sabbhañ­janaṃ yathā;

Evaṃ āhari āhāraṃ, yāpanat­tha­ma­mucchito.

Ví như thịt của người con trai ở nơi sa mạc, giống như dầu bôi trơn cho trục xe, tương tợ như thế người đã ăn vào vật thực nhằm mục đích sống còn, không bị đắm say.[10]

- Đức tính thứ tư: gà trống dầu sáng mắt cũng bị mù mờ vào ban đêm. Vị hành giả cũng nên như thế, dầu không bị mù, cũng nên là như mù, dầu ở trong rừng hay đang khi đi khất thực ở khu vực làng mạc nên là như mù, điếc, câm đối với các sắc, thinh, hương, vị, xúc, và pháp quyến rũ, không nên nắm giữ hình tướng, không nên nắm giữ chi tiết.

Tôn giả Mahākaccāyana đã từng nói như vậy:

Sabbaṃ suṇāti sotena, sabbaṃ passati cakkhunā;

Na ca diṭṭhaṃ sutaṃ dhīro, sabbaṃ ujjhi­tu­marahati.

Với tai nghe tất cả, Với mắt thấy tất cả,

Kẻ trí bỏ tất cả, Như không thấy không nghe.

Cakkhumāssa yathā andho, sotavā badhiro yathā;

Paññavāssa yathā mūgo, balavā dubbaloriva;

Attaatthe samuppanne, sayetha matasāyikaṃ.

Có mắt, như kẻ mù, Có tai như kẻ điếc,

Có trí, như kẻ ngu, Có sức, như kẻ yếu,

Ðể việc lành khởi lên, Nằm như kẻ chết nằm.[11]

- Đức tính thứ năm: gà trống dầu đang bị tấn công bởi các cục đất, cây gậy, cây côn, cái vồ, cũng không lìa bỏ cái chuồng của mình. Hành giả cũng vậy, dầu đang làm công việc may y, đang làm công việc xây dựng công trình mới, đang thực hành phận sự và công việc, đang đọc tụng, đang bảo người khác đọc tụng, cũng không nên lìa bỏ việc tác ý đúng đường lối.

Đức Thế tôn cũng từng dạy như vậy:

Này các Tỳ-khưu, chỗ nào là chỗ hành xứ của Tỳ khưu? Chính là bốn niệm xứ.[12]

Thật ra, cũng khó để tìm thấy hình ảnh con gà trong kinh điển Phật giáo. Những câu chuyện về con gà chủ yếu được kể lại trong các câu chuyện thuộc hệ văn học Chú giải (Aṭṭhakathā), nhiều nhất là Chú giải chuyện tiền thân (Jātaka-aṭṭhakathā).

Tiếng gáy của gà trống từ xưa đã là chiếc đồng hồ báo thức cho mọi người để bắt đầu công việc ngày mới. Như thời hiện tại, nếu chiếc đồng hồ báo thức bị hư, không báo thức đúng giờ thì nó sẽ bị bỏ đi. Cũng như thế, thuở xưa, có một con gà trống vì gáy sai thời nên phải bị bẻ cổ đau đớn. Câu chuyện này được ghi lại trong chuyện tiền thân Gà gáy phi thời (Akālarāvijātaka).

Thuở xưa, khi Bồ-tát làm vị thầy dạy học cho năm trăm thanh niên học trò. Tại nhà của Bồ-tát, có một con gà trống thường gáy rất đúng giờ nên các học trò dựa vào tiếng gáy ấy mà báo thức để đi thức dậy học bài. Một thời gian sau con gà bị chết nên mọi người bắt một con gà trống khác về để làm báo thức. Vì quen sống ở nghĩa địa, nó không biết giờ nào cần phải gáy, có khi nó gáy lúc nửa đêm, có khi nó gáy lúc rạng đông. Khi các thanh niên học trò nghe nó gáy lúc nửa đêm, họ thức dậy học bài, cho đến rạng đông họ quá mệt không học được nữa. Vì buồn ngủ, họ không thể tiếp thu được bài học. Và khi quá sáng, con gà ấy gáy ồn ào họ không có cơ hội yên tĩnh để học ôn bài. Sự việc này khiến các vị mệt mỏi nên mới bàn nhau vặn cổ con gà cho đến chết. Sau đó, các học trò trình lên Bồ-tát và được ngài thuyết cho bài kệ:

Không mẹ cha nuôi dưỡng,

Không thầy, dạy dỗ nó,

Con gà này không biết

Ðúng thời hay phi thời.[13]

Nhân duyên của câu chuyện tiền thân này được đức Thế Tôn thuyết đề cập đến một vị Tỳ khưu không biết giờ nào nên làm việc gì cho thích hợp vì không được dạy dỗ. Vị ấy không biết: thời này, ta phải làm việc này; thời này, ta phải hầu hạ; thời này, ta phải học hành. Trong canh đầu, canh giữa và canh cuối và trong những giờ thức giấc, vị ấy làm ồn, khiến các Tỳ khưu không thể ngủ được. Câu chuyện tiền thân về con gà trống gáy phi thời cũng chính là tiền kiếp của vị Tỳ khưu ấy.

Một câu chuyện khác cũng kể về con gà trống. Thế Tôn kể câu chuyện này để cảnh tỉnh một vị Tỳ khưu đang mơ tưởng về đời sống thế tục khi dính mắc vào hình ảnh một mỹ nữ kiều diễm. Câu chuyện kể lại rằng: khi ấy Bồ-tát được sinh làm gà trống sống trong rừng với hàng trăm gà trống khác. Không xa đó có một con mèo cái. Nó đã dùng nhiều mưu kế dụ dỗ nhiều gà trống để ăn thịt ngoại trừ Bồ-tát vì ngài rất thông minh. Mèo cái tìm cách làm thân với gà trống bằng cách xin kết nghĩa phu thê với gà với mục đích để bắt gà ăn thịt. Dù lời ngon tiếng ngọt nhưng mưu kế ấy không thể làm cho gà trống xiêu lòng.[14]

Lại một câu chuyện khác cũng nói về con gà trống nhưng được đề cập đến âm mưu sát hại Thế Tôn của Devadatta[15]. Vào thời ấy, Bồ-tát làm chùa của một đàn gà lớn. Có một con diều hâu tìm cơ hội kết thân để bắt gà chúa ăn thịt, nhưng âm mưu bất thành. Bồ-tát nói rằng: “Không nên tin cậy người làm ác, không nên tin cậy người nói không thật, không nên tin cậy người chỉ biết lợi ích của bản thân, thậm chí không nên tin cậy người quá an tịnh… Ở đây, một số người với vẻ ngoài bạn bè, với lời nói trau chuốt nhưng không phải tự tâm, theo nhiều phương thức khác nhau, thậm chí không nên tin cậy người như thế ấy”.[16]

Kể về sự phản bội của Devadatta thì thật không thấy ai lại ác tâm đến thế. Từng là người anh vợ[17] vừa là anh em cô cậu[18] với Thái tử Siddhattha, vậy mà lúc đi xuất gia xong, vì danh vọng che mờ lý trí, Devadatta đã phản bội lại bậc Đạo sư của mình. Bằng nhiều âm mưu và cách thức, Devadatta tìm mọi cách để sát hại đức Phật nhưng đều bất thành. Bởi vì do oai lực của vị Phật Chánh Đẳng Giác, không một ai trên thế gian có khả năng giết hại được Ngài. Liên quan đến sự phản bội của Devadatta, Thế Tôn đã kể câu chuyện tiền thân về vị vua Nigrodha.[19] Một thời, ở kinh thành Rājagaha, có một thương nhân giàu có đi hỏi cưới một cô gái là con gái của một thương nhân khác ở thôn quê cho con trai của mình. Vì không thể sanh con để nối dõi tông đường, lần hồi nàng bị xem nhẹ trong gia đình. Để lừa nhà chồng, nàng giả vờ báo là mình đã mang thai để được nhà chồng thương yêu chìu chuộng. Nàng dấu kín thời kỳ hành kinh của nàng, lại tỏ ý thích ăn các vị chua mới lạ. Vào lúc tay chân bắt đầu to lên, nàng nhờ chúng bạn đập vào tay chân, và lưng cho đến khi chúng sưng phồng lên; dần dần nàng bó quanh người nàng bằng giẻ vụn và vải làm cho thân thể có vẽ lớn dần; lại bôi đen hai đầu vú nàng, và chỉ trừ bà nhũ mẫu, chẳng ai được phép ở bên nàng lúc nàng tắm rửa. Chồng nàng cũng tỏ ra chăm sóc nàng chu đáo cho phù hợp với hoàn cảnh ấy. Sau chín tháng trôi qua trong cảnh này, nàng tỏ ý muốn trở về nhà sinh con trong nhà cha mẹ mình. Vì vậy nàng từ giã cha mẹ chồng, lên xe cùng một số gia nhân trở về quê mẹ ở thôn quê để lo sinh nở.

Dọc đường đi, một người đàn bà nghèo khổ trong đoàn xe khác đã hạ sinh một bé trai dưới gốc cây đa nên đặt tên bé ấy là Nigrodha, tức Bồ-tát. Khi đoàn xe của cô gái đến, phát hiện ra đứa bé dưới gốc cây, cô liền nhận đứa bé là con của mình mới đẻ ra nên trở lại Rājagaha chứ không về nhà cha mẹ ruột nữa. Nigrodha lớn lên với hai người bạn là Sākha, con của một thương gia và Pottika, con của một người thợ may. Cả ba đều đi Takkasilā để học các môn học nghệ. Trên đường đi, trong lúc hai bạn đang ngủ say, Pottika nghe con gà nói: ai ăn được mỡ của ta sẽ làm vua, ai ăn thịt bụng ta sẽ làm đại tướng, ai ăn thịt ức ta sẽ làm quan giữ ngân khố. Pottika liền giết gà, đưa mỡ cho Nigrodha, thịt bụng cho Sākha còn phần mình thì ăn phần ức. Ngay sáng hôm đó, quân thần triều đình đang đi tìm vua nối ngôi nhà vua vừa băng hà bèn đưa Nigrodha lên ngôi, chọn Sākha làm đại tướng. Một hôm, Vua Nigrodha muốn rước thân phụ mẫu về triều bèn bảo Pottika đi đón hai vị ở Rājagaha. Trên đường trở về, Pottika ghé thăm Sākha. Sākha hận ông đã đưa mỡ gà cho Nigrodha nên phỉ báng ông. Lúc được Pottika tấu trình, Nigrodha muốn giết Sākha, nhưng được Pottika can ngăn. Ngài tha tội cho Sākha; và ngài muốn ban chức Ðại tướng cho Potika, song chàng không nhận. Rồi Vua phong chàng chức Chưởng khố.

Khi hạt ném trong ngọn lửa hồng,

Cháy rồi, hạt chẳng thể gieo trồng

Ta làm việc thiện cho người ác,

Cũng vậy, nó tàn lụi diệt vong.

Chúng chẳng như nhiều kẻ biết ơn,

Những người đức hạnh, bậc hiền lương,

Ðất lành, hạt chẳng hề quăng bỏ,

Như việc làm cho các thiện nhơn.

Sau khi Anāthapiṇḍika đã tái trở thành triệu phú, còn giàu có hơn trước, một người Bà-la-môn trong vùng vì ganh ghét, muốn tước đoạt cái vận may đã cứu giúp và phục hồi gia tài cho ông. Thế là ông ta đến nhà ông Anāthapiṇḍika và được đón tiếp rất niềm nở. Sau những lần trao đổi xã giao, chủ nhà hỏi lý do cuộc viếng thăm. Vị Bà-la-môn để ý xem vận may của ông triệu phú kia nằm ở đâu. Bấy giờ ông có một con gà trống trắng, trắng như một vỏ sò đã được cọ rửa, con gà được giữ trong một cái lồng bằng vàng, và vận may của vị triệu phú đang nằm trong cái mồng của nó. Thế là người Bà-la-môn ấy đã dò tìm được vận may nằm ở đâu rồi. Người Bà-la-môn lập tức hỏi xin con gà có lông trắng, y viện lý do rằng y sẽ dùng tiếng gà gáy buổi sáng của nó để đánh thức đám học trò dậy. Với hạnh nguyện bố thí, Anāthapiṇḍika không chần chừ liền cho con gà. Nhưng ngay lúc ấy vận may lại rời con gà, nhập vào một viên ngọc trên áo của chủ nhà. Người Bà-la-môn biết được sự việc quay qua xin viên ngọc thì y thấy vận may bỏ viên ngọc, nhập vào trong cây gậy của ông. Y lại xin cây gậy thì vận may di chuyển đến mái tóc của người đệ nhất phu nhân Puññalakkhaṇa, một người đàn bà rất nhiều phúc đức và luôn luôn được các hàng chư Thiên bảo vệ. Khi người Bà-la-môn nhìn thấy đệ nhất phu nhân Puññalakkhaṇa thì y giật mình hoảng sợ, tự nhủ rằng: đây là thứ không thể nhượng lại, ta đâu có thể xin được. Cuối cùng, người Bà-la-môn vì hổ thẹn đã thú thật dã tâm của mình với chủ nhà, rồi trả lại viên ngọc và cây gậy, xong bỏ đi. Ông Anāthapiṇḍika trình bày sự việc này đến Thế Tôn và Ngài đã kể lại câu chuyện tiền thân Sự may mắn.[20]

Qua các câu chuyện được dẫn chứng ra để minh họa cho hình ảnh con gà trong kinh điển Phật giáo, chắc người đọc sẽ có được thêm nhiều bài học mới.

Thứ nhất là đừng bao giờ giống như một con gà gáy phi thời. Là một con người thì chúng ta phải biết luôn luôn tự nâng cao thi thức của mình, cố gắng học hỏi, trao dồi kiến thức để biết phân biệt cai nào nên làm và cái nào không nên làm.

Thứ hai, phải biết nỗ lực tu tập các pháp đưa đến giải thoát như là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm quyền, năm lực, bảy Bồ-đề phần, Thánh đạo tám ngành. Vì nếu không tu thì không bao giờ giải thoát, chứ đừng có ngồi đó mà tụng niệm hoặc cầu xin cũng vô ích.

Thứ ba, nghiệp là do ta tạo, chính nghiệp đó theo ta như bóng với hình[21], cho nên làm việc gì, nói lời chi hay nghĩ cái nào cũng phải tác ý thật cẩn thận. Hành động hay lời nói của chúng ta thì chúng ta phải chịu hậu quả do việc làm ấy, không ai gánh chịu dùm cũng không ai cướp lấy được. Nghiệp là của ta và ta chính là chủ nhân của nghiệp.

Kết luận

Xuân mới đến tức là một năm trôi qua để đón chào một năm mới đến. Tết, với mọi người là thời gian để sum họp, vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi. Nhưng với người tu Phật, ngày nào cũng là ngày để tu tập và tạo công đức. Xuân đến, hè sang, thu qua và đông tàn đó là thời gian trôi qua từng ngày nên chúng ta phải tận dụng từng thời gian ấy để tu tập, vun bồi phước đức.

Mừng xuân hỉ xả thêm công đức

Đón tết từ bi bớt não phiền.

Kính chúc chư Tăng Ni một năm mới thân tâm an lạc, sưc khỏe dồi dào, trí tuệ sớm viên mãn và mọi Phật sự viên thành. Và gửi lời chúc đến quý Phật tử một năm mới thuận duyên trong cuộc sống, gia đình an lạc, sức khỏe tràn đầy và thành tựu mọi ước nguyện theo như ý.

Mong thay!

Bhik Samādhipuñño Định Phúc