Suckhoedoisong.vn - Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trùng với thời điểm bà con nông dân ở Vĩnh Long, Bạc Liêu… bắt đầu mùa thu hoạch khoai lang. Tác động của dịch bệnh khiến việc tiêu thụ bị ảnh hưởng nặng nề. Với tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều cơ quan đoàn thể và người dân đã chung tay hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con nông dân cảm thấy ấm lòng trong mùa dịch. Không chỉ làm lương thực, khoai lang còn là vị thuốc quý chữa nhiều bệnh.

    Ở nước ta có nhiều loại khoai lang như loại trắng ruột, loại vỏ đỏ ruột tím, loại vỏ đỏ ruột vàng và thường được dùng ăn luộc, nướng, nấu lẩu, hầm xương thịt, chiên bột, làm mứt, phơi khô, làm bánh, nấu chè… Lá ngọn khoai luộc, xào chấm mắm tỏi ăn rất ngon...

    Trong 100g củ khoai tươi cho 109 Calo, chứa 24,6% tinh bột, 4,17% glucoza. Khoai còn tươi chứa 1,3% protein, 0,1% chất béo, các diattaza, tro có Mn, Ca, Cu, các vitamin A, B, C, 4,24% tanin, 1,375% pentozan. Trong 100g lá khoai lang cho 29 Calo, có 64mg calci, 33mg ma giê, 32mg sắt, 0,72mg mangan, 15mg vitamin C.

Về giá trị dinh dưỡng, khoai lang có tác dụng chữa táo bón vì khoai lang  chứa nhiều chất xơ là chất có vai trò điều hòa nhu động ruột, chất xơ còn giúp đưa nhanh chất thải ra khỏi đường tiêu hóa. Vậy người bị táo bón ăn khoai lang rất tốt.

Theo Đông y, củ và lá khoai đều có vị ngọt tính bình, không độc. Tác dụng bổ tỳ, ích thận, nhuận tràng, tiêu viêm, lợi gan mật, sáng mắt. Trị táo bón, trĩ, tiêu khát, nhức mỏi cơ khớp, trẻ em cam tích...

Theo sách Tuệ Tĩnh, khoai lang (Cam thự) đều có vị ngọt tính bình, không độc. Tác dụng bổ ích lao thương, mạnh tỳ thận; công dụng như vị hoài sơn (bổ tim, nuôi thận, bồi tỳ vị ích khí, mạnh gân lớn xương).

    Khoai lang có tác dụng chữa đái tháo đường: trong lá ngon  khoai lang ít chất bột đường, lại rất giàu chất manhê, là chất rất cần thiết ngăn ngừa chữa trị đái tháo đường

Khoai lang chữa loãng xương: lá ngọn củ khoai đều chứa nhiều can xi. Vì vậy ăn khoai giúp bổ sung can xi tự nhiên  chống loãng xương ở người lớn; tốt cho trẻ em còi cọc kém phát triển.

    Tài liệu mới đây còn cho biết trong củ lá khoai lang đều có chứa chất phytosterol adenin, betain cholin giúp cơ thể biến dưỡng chất béo chống tích tụ mỡ trong tim mạch, gan…Những người thừa cân, có nguy cơ bệnh tim mạch huyết áp, ăn khoai lang rất thích hợp. Sau đây là một số món ăn thuốc từ khoai lang.

   Chữa đái tháo đường: ngọn hoặc lá non khoai lang 100g, luộc chấm với nước sốt cà chua, ăn tuần vai lần. 

Ngọn khoai lang luộc chấm sốt cà chua – món ăn tốt cho người đái tháo đường.

    Chữa trĩ, táo bón: mỗi lần dùng một củ khoai lang to vỏ đỏ ruột vàng. Bổ đôi củ khoai, cho 2-3 củ hành vào kẹp lại bọc lá chuối nướng cho chín sau đó ăn cả khoai và hành, ngày ăn 2-3 củ,  ăn nhiều ngày.

  Chữa trẻ em cam tích: lá khoai lang non 100g, kê nội kim (màng mề gà) 10g, sắc nước uống.

   Chữa mắt quáng gà: ngọn lá non khoai lang xào với gan lợn, thêm gia vị vừa đủ, ăn tuần vài lần.

   Chữa đau mỏi xương khớp: khoai lang củ hầm với móng giò lợn hoặc duôi lợn, ăn tuần vài lần.

Khoai lang củ hầm với móng giò lợn hoặc đuôi lợn

 Chữa kiết lỵ: dùng củ khoai lang bị sùng thái lát, phơi thật khô, tán nhỏ bỏ vào lọ kín, uống ngày 3  lần, mỗi lần một thìa cà phê.

 Chữa say tàu xe: củ khoai nhai sống nuốt nước.

 Chữa bệnh zona (giời leo): lá khoai giã nhuyễn đắp ngoài, đồng thời luộc lá non, ăn cả cái lẫn nước.

   khoai lang không chỉ là cây lương thực quan trọng, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon bổ dưỡng. Khoai lang còn là vị thuốc quý chữa táo bón, đái tháo đường, loãng xương và cholesterol, ngăn ngừa nhiều chứng bệnh thời đại hiệu quả. Tuy nhiên khoai lang giàu can xi, người sỏi thận không dùng lâu dài, người dạ dày nhiều a xít không nên ăn nhiều khoai lang dễ bị nóng cổ.

Lương y Minh Phúc

Nguồn: suckhoedoisong.vn