Tiểu
sử Giáo đoàn VI Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
A. Giới thiệu
Đạo Phật xuất hiện tại Ấn Độ cách đây trên 26 thế kỷ, mang lại nhiều lợi ích an vui cho chúng sanh, đặc biệt là góp phần không nhỏ vào việc xóa bỏ chế độ giai cấp trong xã hội thời bấy giờ. Sau khi Phật nhập Niết bàn gần 2 thế kỷ, đạo Phật được chia làm hai dòng truyền thừa là Nam truyền và Bắc truyền, rồi từ đó truyền bá khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ 20, đạo Phật gặp nhiều biến cố và cũng trong thời điểm này có nhiều tông phái xuất hiện như: Phật giáo Hòa Hảo, Phật Thầy Tây An, Phật nằm, Khất sĩ Mẫu trầu,… và Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam cũng xuất hiện trong thời kỳ trên (năm 1944) do đức Tôn sư Minh Đăng Quang khai sáng, đến năm 1954 thì Ngài vắng bóng.
B. Nội dung
I. Sự hình thành và phát triển Giáo đoàn
1. Sự hình thành Giáo đoàn
Sau khi Đức Tôn sư Minh Đăng Quang vắng bóng vào ngày mùng 1 tháng 2 năm 1954, để kế thừa sự nghiệp của Tổ Thầy để lại, do đó các đức Thầy phân chia ra nhiều hướng để đi hành đạo, hóa độ tăng ni xuất gia ngày càng đông hơn. Cho nên về mặt quản lý hành chánh cũng khó khăn hơn, vì thế các đứcThầy lần lượt thành lập các giáo đoàn 1, 2, 3, 4, 5. Trong giai đoạn này, đức Thượng tọa Nhị tổ, trưởng giáo đoàn 1, luôn luôn thực hành hạnh đầu đà, du phương hành đạo khắp nơi để hóa độ những người hữu duyên.
Năm 1955, hòa thượng Giác Huệ được Đức Nhị tổ tế độ xuất gia. Do lúc còn nhỏ hòa thượng Giác Huệ được người dì hướng dẫn đến tịnh xá nghe kinh, học pháp, được đức Tôn sư Minh Đăng Quang cho pháp danh là Huệ Chơn, rồi từ đó Huệ Chơn gần gũi chư tăng lập hạnh tu hành, giữ gìn oai nghi lâu ngày thành thục. Vì vậy, lúc mới xuất gia được Đức Nhị tổ cho đắp y kẹp sa di mà không cần phải trải qua thời gian tập sự. Như thế là hòa thượng Giác Huệ theo chân đức Nhị tổ hành đạo từ Nam ra Trung.
Trong đoàn du tăng của đức Nhị tổ có hai vị pháp sư lỗi lạc đó là hòa thượng Giác Tường và hòa thượng Giác Huệ. Ban ngày chư tăng đi khất thực hóa duyên, tối về thuyết pháp độ bá tánh. Mỗi tối, thời pháp bắt đầu lúc 18 giờ đọc thi kệ, đến 19 giờ thuyết pháp đến 21 giờ. Mỗi tuần hòa thượng Giác Tường giảng 3 ngày, hòa thượng Giác Huệ giảng 4 ngày. Nơi giảng là các công viên, sân vận động hay các hội trường lớn của nhà nước.
Vào năm 1962, Lễ Tự tứ được chuẩn bị tại tịnh xá Ngọc Thạnh- Tây Ninh nhưng ngày Tự tứ không thành. Sau đó hòa thượng Giác Huệ xin Đức Nhị tổ thành lập thêm giáo đoàn 6. Lời đề nghị này được Đức Nhị tổ chấp nhận. Như thế với sự dẫn dắt và lãnh đạo của hòa thượng Giác Huệ, giáo đoàn 6 có mặt khắp các tỉnh thành Nam – Trung trong việc hoằng pháp lợi sanh.
Với tài năng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của Ngài nên không đồng quan điểm với các Đức Thầy trưởng các giáo đoàn khác, vì thế Ngài sinh hoạt độc lập với năm giáo đoàn còn lại. Ngài lấy biệt hiệu là: “ Giáo hội Khất sĩ Việt Nam” đặt trụ sở tại tịnh xá Trúc Lâm, giảng đường Lộc Uyển, Phú Lâm- Chợ Lớn và phát triển ngày một lớn mạnh.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nhận thấy sự truyền bá Phật pháp dễ dàng nên Ngài muốn mở rộng mối đạo Khất sĩ ra nhiều nước trên thế giới. Vào ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Thân- 1980 Ngài ra đi nhưng đó cũng là chuyến tiễn biệt Ngài đến phương trời vô định. Vì thế hằng năm hàng tứ chúng lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm vắng bóng của Ngài.
2. Sự phát triển giáo đoàn
Sau khi được sự chứng minh của Đức Thượng tọa Nhị tổ Giác Chánh cho phép hòa thượng Giác Huệ lập giáo đoàn 6. Hòa thượng đã hướng dẫn đoàn vân du từ nam ra trung. Nơi nào đoàn du tăng đến là nơi đó hưởng được làn gió pháp mang đầy hương vị giải thoát, hàng ngàn bá tánh đến với Giáo hội qua những bài thuyết pháp lan tỏa vào tâm thức của từng người Phật tử. Không bao lâu giáo đoàn do Ngài hướng dẫn lên đến hàng trăm Tăng, Ni và hàng ngàn Phật tử quy y.
Tuy tuổi đời của Ngài mới ngoài 20 mà tài năng văn chương thi phú rất nổi bật và cũng là một vị pháp sư lỗi lạc tài hoa. Bên cạnh đó gương hạnh tu tập mà Ngài học được khi còn gần gũi đức Nhị tổ đã un đúc cho Ngài nếp sống thanh bần, giản dị. Nếu ai có một lần được diện kiến thì sẽ thấy ngay sự từ ái trong từng hành động cử chỉ, cũng như cung cách ứng xử mà Ngài mang lại.
3. Nhiệm kỳ và cơ cấu giáo đoàn.
Từ khi giáo đoàn được thành lập, các tịnh xá ngày một phát triển và tăng, ni ngày một đông hơn nhưng chưa có nơi làm trụ sở trung ương cho giáo đoàn. Khi hành đạo tại vùng Phú Lâm- Chợ Lớn, Ngài thấy nơi đây dân cư phồn thịnh đủ điều kiện để làm trụ sở trung tâm cho giáo đoàn. Và như thế Ngài thành lập tịnh xá Trúc Lâm Lộc Uyển làm trụ sở của giáo đoàn tăng tại đường Lục Tỉnh, Phú lâm- Chợ Lớn ( nay là số 121 Kinh Dương Vương, P12, Q6) và đặt trụ sở giáo đoàn Ni tại tịnh xá Ngọc Diệp tại số 81, Yên Đỗ, Sài Gòn- Gia Định ( đường Lý Chính Thắng, Q3 ngày nay) do ni trưởng Tràng Liên làm trưởng phân đoàn. Ngài còn thỉnh hòa thượng Giác Đức, đệ tử của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang làm phó đoàn, tổng thư ký là thượng tọa Giác Nhựt, phó thư ký là hòa thượng Giác Tuấn, đương kim Trị sự trưởng giáo đoàn 6 hiện nay.
Ngài còn tham gia với giáo hội chung thời bấy giờ với những chức vụ sau đây:
- Nguyên Tăng trưởng Giáo hội Khất sĩ Việt Nam
- Nguyên Tổng Trị sự trưởng Giáo hội Khất sĩ Việt Nam
- Nguyên Cố vấn Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 6
- Nguyên cố vấn PGTGPSXH chi hội Việt Nam
4. Tăng chúng
Giáo đoàn được thành lập do hoà thượng Giác Huệ dẫn dắt có hai chúng Tăng và ni:
- Chư Tăng: trên dưới 50 vị
- Chư Ni trên dưới 30 vị
5. Cơ sở vật chất
Sau khi tách khỏi giáo đoàn chánh của Đức Nhị tổ để thành lập giáo đoàn 6, hòa thượng Giác Huệ từng bước xây dựng giáo đoàn bằng cách thâu nhận tăng Ni, thành lập cơ sở.
a. Trung tâm giáo đoàn 6
Tịnh xá Lộc Uyển tọa lạc tại số 121 Kinh Dương Vương, P12, Q6, Tp. HCM do hòa thượng Giác Huệ sáng lập năm 1965.
Bước chân người Khất sĩ du phương muôn nơi lấy bát cơm ngàn nhà độ chúng sanh cho đến một hôm, đoàn du tăng của đoàn 6 đã đặt chân đến đất Sài- Thành, Hoà thượng nhận thấy nơi đây rất phồn thịnh, dân cư tập trung đông đúc, thành phần trí thức cũng nhiều, là nơi thích hợp để quảng bá đạo pháp. Nên Hòa thượng quyết xây dựng tịnh xá Lộc Uyển làm trung tâm của giáo đoàn. Theo truyền thống của hệ phái thì tịnh xá phải là nhà tranh, vách lá, cây ván thô sơ, chỉ cần có chỗ cho bá tánh nghe pháp học kinh là được rồi. Nhưng với tư tưởng cấp tiến và phương tiện tùy duyên với nhịp độ phát triển của xã hội nên hoà thượng trưởng đoàn quyết định xây dựng tịnh xá Lộc Uyển với mô hình kiến trúc kiên cố gồm 1 tầng trệt và 2 tầng lầu.
Tầng trệt dùng làm giảng đường cho Phật tử nghe pháp, học kinh, tầng 1 là chánh điện, chính giữa thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên tay phải của đức Bổn Sư là thờ Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, ngưỡi sáng lập Hệ phái Khất sĩ, bên tay trái là thờ quý Đức Thầy quá cố của giáo đoàn. Tầng 2 trên cùng là tịnh xá với mô hình bát giác, bên trong tịnh xá có một ngôi bảo tháp thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đúng theo tinh thần truyền thống của Hệ phái với diện tích là 484 m2 nên quá trình thi công diễn ra một thời gian rất dài mới hoàn thành. Sau khi tịnh xá khánh thành thì mối đạo nơi đây được phát triển mạnh mẽ. Cho đến năm 1980, hòa thượng đệ nhất trưởng giáo đoàn Thích Giác Huệ vắng bóng.
Tiếp bước con đường của hòa thượng đệ nhất trưởng giáo đoàn là hòa thượng Giác Đức là đệ nhị trưởng giáo đoàn. Hòa thượng Giác Đức là đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang. Với sự lãnh đạo hài hòa và nhiệt tâm của hòa thượng Giác Đức đã làm cho giáo đoàn và các ngôi tịnh xá của giáo đoàn đã phát triển, nay phát triển hơn, đặc biệt là ở tịnh xá Trúc Lâm Lộc Uyển. Năm 1991 hòa thượng xây dựng một nhà Cửu huyền và hai phòng thuốc từ thiện.
Sau một thời gian lãnh đạo giáo đoàn và tăng chúng thì hòa thượng Giác Đức viên tịch vào ngày 13 tháng 7 năm Đinh Sửu- 1997, kế nhiệm hòa thượng Giác Đức là hòa thượng Giác Tuấn là đệ tử của hòa thượng Giác Huệ.
b. Các cơ sở trực thuộc giáo đoàn do hòa thượng Giác Huệ xây dựng:
- Tịnh xá Lộc Uyển, Q6- Tp. HCM
- Tịnh xá Ngọc Tường, Mỹ Tho- Tiền Giang
- Tịnh xá Ngọc Lợi – Bạc Liêu
- Tịnh xá Ngọc Châu, Tân Châu- An Giang
- Tịnh xá Ngọc Ánh, Chợ Mới- An Giang
- Tịnh xá Ngọc Huệ, Cai lậy- Tiền Giang
- Tịnh xá Ngọc Mỹ, Mỹ Tho - Tiền Giang
- Tịnh xá Ngọc Tân, Thủ Thừa- Long An
- Tịnh xá Ngọc Diệp, Q3 - Tp. HCM
c. Các tịnh xá do hòa thượng Giác Đức xây dựng và tiếp nhận
- Tịnh xá Ngọc Thuận, Gò Dầu, Tây Ninh
- Tịnh xá Ngọc Hiếu, Đà Lạt- Lâm Đồng
- Tịnh xá Quang Minh, Tân Thành- Bà Rịa Vũng Tàu
- Tịnh xá Ngọc Nhơn, Bình Thuận
- Chùa Giác Quảng, Tp. Cần Thơ
- Tịnh thất Ngọc Hòa- Nhơn Trạch- Đồng Nai
- Và 15 ngôi tịnh xá của thượng tọa Giác Chiêu xin gia nhập
e. Các tịnh xá do hòa thượng Giác Tuấn tiếp nhận
- Tịnh xá Ngọc Như, Châu Thành- Tây Ninh
- Tịnh xá Ngọc Thành, Ô Môn- Cần Thơ
B. Sự thay đổi và phát triển giáo đoàn giai đoàn 2 ( 1980- 2010)
1. Sự hình thành giáo đoàn giai đoạn 2
Sau khi hòa thượng Giác Huệ vắng bóng 1980, trong bối cảnh những năm đầu đất nước mới giải phóng còn gặp nhiều khó khăn,người có hộ khẩu ở đâu thì ở đó nên sự lãnh đạo theo đoàn du tăng không còn nữa , trong gia đoạn này Tăng Ni đều phải lao động sống tự túc cho nên rất đông Tăng, ni hoàn tục, nên giáo đoàn còn rất ít người sinh hoạt. Sau khi hòa thượng Giác Huệ vắng bóng, hòa thượng Giác Đức kế thừa đảm nhiệm là trưởng đoàn điều hành mọi công tác Phật sự của giáo đoàn.
Năm 1982 trong giai đoạn bối cảnh lịch sử đất nước được dần dần cũng cố và theo chủ trương của nhà nước, tất cả các Hệ phái Phật giáo thống nhất lại thành một mối, lấy danh xưng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chư Tăng trở về sinh hoạt chung với 5 giáo đoàn trực thuộc hệ phái Khất sĩ từ đó đến nay.
Vào năm 1997 hòa thượng Giác Đức viên tịch, thay thế hòa thượng Giác Đức là hòa thượng Giác Tuấn làm Trị sự trưởng giáo đoàn. Hòa thượng Giác Tuấn xây dựng nền mống cho giáo đoàn mỗi ngày vững mạnh hơn. Bằng sự lãnh đạo nhu hòa, Hòa thượng luôn tôn trọng ý kiến tích cực của chư tăng trong giáo đoàn và có lòng nhiệt huyết hy sinh cùng đại chúng để phát triển giáo đoàn. Từ đó chư tăng trong giáo đoàn đặt hết niềm tin nơi Ngài để cùng nhau làm các công tác Phật sự. Bên cạnh đó, hòa thượng Giác Tuấn còn thỉnh hòa thượng Giác Giới, Giáo phẩm Hệ phái, trưởng giáo đoàn 1, là vị đệ tử lớn của hòa thượng Giác Huệ và hòa thượng Giác Toàn, Giáo phẩm của Hệ phái làm chứng minh cho giáo đoàn 6.
Năm 1998, hòa thượng Giác Tuấn xây dựng thêm một dãy nhà tăng, Quan Âm các, một Bảo tháp, một dãy nhà dành cho cư sĩ. Năm 2007 nhận thêm một lô đất ở Hưng Long, Bình Chánh do Phật tử hiến cúng và mua thêm 2,5 ha ở Tân Biên- Tây Ninh để dự trù làm nơi sinh hoạt chung cho giáo đoàn. Năm 2008 nhận thêm 01 tịnh xá xin gia nhập là Ngọc Như ở Tây Ninh.
2. Thành phần Ban Tổ chức Giáo đoàn hiện nay.
- Chứng minh giáo đoàn: HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn
- Trị sự trưởng: HT. Giác Tuấn
- Trị sự phó thường trực: TT. Giác Nhuận
- Trị sự phó: TT. Giác Điệp, TT. Giác Mỹ, TT. Minh Nhơn
- Chánh thư ký: ĐĐ. Minh Sĩ
- Phó thư ký: ĐĐ. Minh Điệp
+ Hội đồng Tỳ kheo:
- TT: Minh Điển
- ĐĐ: Giác Thiện, Giác Tân, Giác Nghiêm, Minh Bửu, Giác Tôn, Minh Đăng, Minh Chính, Minh Chúng, Minh Điền, Minh Dẫn.
- Số lượng chư tăng trong giáo đoàn: 64 vị
3. Cơ sở vật chất hiện nay
- Tịnh xá Lộc Uyển, Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh ( trung tâm Giáo đoàn 6)
- Tịnh xá Ngọc Châu, TX. Tân Châu, An Giang
- Tịnh xá Ngọc Ánh, Chợ Mới, An Giang
- Tịnh xá Quang Minh, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu
- Tịnh xá Ngọc Nhơn, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận
- Tịnh xá Ngọc Như, Châu Thành, Tây Ninh
- Tịnh xá Ngọc Thuận, Gò Dầu, Tây Ninh
- Tịnh xá Trúc Lâm, Tân Biên, Tây Ninh
- Tịnh xá Ngọc Tân, Thủ Thừa, Long An
- Tịnh xá Ngọc Chơn, Chơn Thành, Bình Phước
- Tịnh xá Ngọc Thành, Ô Môn, Tp. Cần Thơ
- Tịnh xá Đại Quang, Bình Chánh, TP. HCM
- Tịnh xá Ngọc Long, Bình Long, Bình Phước
- Tịnh xá Ngọc Hiếu, Đà Lạt, Lâm Đồng
- Tịnh xá Ngọc Tâm, Tây Ninh
- Chùa Giác Quảng, Tp. Cần Thơ
- Tịnh thất Ngọc Hòa, Nhơn Trạch, Đồng Nai
- Tịnh thất Kỳ Viên, Bình Chánh, Tp. HCM
C. Sinh hoạt Hệ phái và Giáo đoàn
1. Hệ phái
Hằng năm Giáo đoàn đều trở về dự sinh hoạt chung của Hệ phái 3 kỳ ( 17- 02 AL, 20- 07 AL, 21- 11 AL).
Tham dự lễ tổ do các giáo đoàn luân phiên tổ chức
2. Giáo đoàn
- Họp giáo đoàn: mỗi năm giáo đoàn có 2 kỳ sinh hoạt chung nhân ngày lễ tưởng niệm vắng bóng của HT. Giác Huệ (mùng 08- 02) và lễ húy kỵ của HT. Giác Đức (13- 07).
- Lễ Tự tứ: tất cả chư tăng trong giáo đoàn đều về tham dự lễ Tự tứ tăng vào ngày Rằm tháng 07.
- Cúng hội: theo truyền thống của Hệ phái thì có 04 kỳ cúng hội trong một tháng (mùng 08, Rằm, 23 và 30 (tháng thiếu ngày 29), tịnh xá Lộc Uyển cũng giữ truyền thống này.
D. Tổ chức thời khóa tu học cho Chư Tăng và Phật tử
1. Thời khóa của chư tăng tron giáo đoàn
a. Thời Tổ và các đức Thầy
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và các vị trưởng lão đệ tử thường du hành các nơi với hạnh nguyện lấy vũ trụ làm nhà, lấy chúng sanh làm quyến thuộc, do đó các gốc cây, gò mã, nghĩa địa,… thường là chỗ dừng chân của các Ngài. Mỗi ngày, các Ngài đi hóa duyên khất thực, chiều về thuyết pháp cho cư gia bá tánh, tối tham thiền nhập định soi rọi nội tâm thông qua con đường giới, định tuệ.
b. Thời kỳ hiện nay
Do hoàn cảnh đất nước đã ổn định, sự cư trú theo hộ khẩu, không đi du phương như thời xưa nên giáo đoàn lập ra các thời khóa cho các tịnh xá dễ dàng sinh hoạt, cũng như giữ truyền thống tu học tốt. Trong giáo đoàn có những chương trình như sau:
+ Sáng:
- 4h15’ ----------> 5h15’: tọa thiền
- 6h00’ ----------> 6h30’: điểm tâm
- 7h00’ ----------> 8h30’: chấp tác
- 8h30’ ----------> 10h30’: nghiên cứu giáo lý
+ Trưa:
- 11h00 ----------> 12h00’: độ ngọ
- 12h00’ ----------> 13h30’: chỉ tịnh
+ Chiều:
- 14h00’ ----------> 15h00’: học giáo lý
- 17h30’ ----------> 18h30’: tọa thiền
+ Tối:
- 19h00’ ----------> 20h00’: tụng kinh
- 21h00’ ----------> 23h00’: nghiên cứu giáo lý hoặc tọa thiền.
2. Tổ chức lớp học cho Phật tử
Do nhu cầu đời sống tâm linh của Phật tử ngày một nâng cao, vì thế Phật tử đến các tịnh xá ngày một nhiều. Do đó Ban Trị sự giáo đoàn có nhiều phiên họp góp ý mở ra nhiều khóa tu danh cho Phật tử:
- Khóa tu thiền
- Lớp thọ bát quan trai
- Lớp niệm Phật
- Lớp giáo lý
3. Nội quy
Nhằm để nâng cao nếp sống phạm hạnh nơi chốn tòng lâm, do đó Chư tăng phải nghiêm chỉnh thực hiện các điều sau đây:
+Phần giới hạnh:
· Giữ gìn oai nghi trong mọi lúc
· Không được sai phạm các giới đã thọ
· Khi đi duyên sự bên ngoài phải trình thưa với đại chúng
· Không được vô lễ, ngã mạn với bậc bề trên, khi có việc chi phải cung kính xin phép, trình báo.
· Không được vận động tài chánh, mua đất, cất cốc riêng mà chưa có sự đồng ý của Ban Điều hành.
· Không được lợi dụng danh nghĩa tịnh xá làm việc riêng tư
· Không được chỉ trích phá hòa hợp tăng trong mọi trường hợp
· Giữ đúng theo thời khóa tu học của đại chúng
· Không được lạm dụng tài vật của Tam bảo và làm hư hao
· Không được vắng mặt trong các buổi sinh hoạt của đại chúng
· Không được tranh cãi và nói xấu lẫn nhau
+ Phần kỷ luật
Vị nào cố ý vi phạm trong các điều quy định trên, tùy theo mức độ xử phạt
· Lần 1: cảnh cáo và phê bình trước đại chúng
· Lần 2: quỳ hương và sám hối trước đại chúng
· Lần 3: giáng cấp hoặc trục xuất ra khỏi tịnh xá
+ Lục hòa
Khi kỷ luật xong, tất cả Chư Tăng lục hòa phân giải trong hoan hỷ để thiền môn hưng hưng thịnh, đại chúng tiến tu.
E. Công tác từ thiện
Để thực hiện lòng từ bi của người con Phật đối với mọi người, giáo đoàn thường xuyên tổ chức những chuyến đi công tác từ thiện như: xây nhà tình thương, cứu trợ người nghèo, đào giếng, xây cầu, phóng sanh,… hoạt động từ thiện của các tịnh xá trực thuộc giáo đoàn một năm lên đến nhiều tỉ đồng.
F. Định hướng sắp tới của giáo đoàn
Nhằm để phát triển giáo đoàn ngày một vững mạnh, do đó Ban Trị sự giáo đoàn có một số định hướng như sau:
1. Đào tạo tăng tài: tạo điều kiện cho Chư tăng đi học các trường Phật học trong cũng như ngoài nước.
2. Thành lập đoàn du tăng: nhằm để thực hiện con đường trở về nguồn của Tổ, Thầy để lại với chí hướng “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. Do đó trong chư tăng trong giáo đoàn đi hành đạo luân chuyển chỗ ở với nhau.
3. Thâu nhận thêm người xuất gia
4. Xây dựng thêm cơ sở vật chất
II. Kết luận
Giáo đoàn 6 luôn đồng hành cùng Hệ phái để giữ truyền thống tốt đẹp của người Khất sĩ. Giáo đoàn cũng thể hiện tinh thần lục hòa cùng các Giáo đoàn khác góp phần phát triển Hệ phái ngày một tốt đẹp hơn.