Tin và ảnh: Diệu Anh

Sáng nay ngày 13/03/2019 nhằm ngày mùng 8 tháng 2 năm Kỷ Hợi, Chư Tôn Đức Tăng – Ni các miền tịnh xá trực thuộc Giáo Đoàn 6 đã câu hội về tịnh xá Lộc Uyển tham dự lễ tưởng niệm 39 năm ngày Trưởng lão Giác Huệ vắng bóng.

Quang lâm và chứng minh có:
Hòa thượng Thích Giác Pháp, UVHĐTS – Phó Ban nghi lễ TW, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Hệ phái Khất sĩ; Hòa thượng Thích Thiện Phước, chứng minh Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 6, viện chủ chùa Giác Hải, quận 6; Hòa thượng Thích Giác Tuấn, Chứng minh Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 6, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, Trị sự trưởng Giáo đoàn 6, trụ trì tịnh xá Lộc Uyển; Hòa thượng Thích Thiện Hỷ Phó Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang; Thượng tọa Thích Giác Điệp, Phó Ban trị sự Giáo đoàn 6, Hệ phái Khất sĩ; Thượng toạ Thích Giác Nhuận, uỷ viên Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp Hồ Chí Minh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 6, Tri sự phó Giáo đoàn 6; Đại đức Thích Minh Đăng, Phó thư ký Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin truyền thông giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh và hơn 80 vị Chư Tôn Đức Tăng – Ni trú xứ các miền tịnh xá, tự viện cùng hơn 600 Phật tử đã hoan hỷ về tham dự buổi lễ.

Cũng nhân dịp này Hòa thượng Giác Mỹ đã hướng dẫn hơn 80 vị Chư Tôn Đức Tăng - Ni đi trì bình khất thực nhằm ôn lại truyền thống Tổ thầy cũng như gieo duyên cho các hàng Phật tử.

Thượng tọa Giác Điệp, đại diện cho môn đồ pháp quyến cung tuyên đôi dòng tiểu sử về cuộc đời và đạo nghiệp Hòa thượng Giác Huệ.

“Nói đến Ngài là nói đến khả năng biện tài vô ngại mà hiếm có ai bì kịp. Những bài pháp của Ngài như những tiếng chuông cảnh tỉnh chúng sanh đang đắm chìm trong màn vô minh thoát ra miền tục lụy. Những bài pháp đó thể hiện sự làu thông kinh điển và các sách vở kiến thức kim cổ đương thời. Chính vì lẽ đó, trong suốt những năm hành đạo từ năm 1962 đến năm 1971 bá tánh quy ngưỡng phát tâm cúng dường để Ngài thành lập được 10 ngôi tịnh xá và 15 ngôi đạo tràng khác xin gia nhập đoàn du Tăng Khất Sĩ của Ngài.
Trên 20 năm giáo hóa chúng sanh, Ngài thâu nhận hàng trăm đệ tử xuất gia lấy Tịnh xá Lộc Uyển làm trung tâm hành đạo chính. Các đệ tử lớn của Ngài có các vị tiêu biểu như: Giác Dõng, Giác Nghiêm, Giác Ngàn, Giác Nghĩa, Giác Chân, Giác Trí, Giác Kiên, Giác Nhựt, Giác Thắm, Giác Hảo, Giác Thịnh, Giác Minh, Giác Quang… Trong đó nổi bậc là Hòa thượng Giác Tuấn hiện là đệ tam trị sự trưởng Giáo đoàn VI (từ năm 1997 đến nay).

Thời kỳ này Ngài không còn dẫn đoàn du tăng hành đạo rày đây mai đó, mà thường xuyên lưu trú tại Tịnh xá Lộc Uyển để ra sức phát triển cơ sở và tham gia công tác Phật sự cho Giáo hội Phật giáo Thống Nhất cũng như Ban liên lạc Phật giáo yêu nước.
Mỗi tháng Ngài tổ chức thuyết giảng theo trình tự vào các ngày cúng hội: mùng 8 tại Tịnh xá Ngọc Huệ - Tiền Giang, Rằm tại Tịnh xá Lộc Uyển – TP. Hồ Chí Minh, 23 tại Tịnh xá Ngọc Tân – Long An, 30 tại Tịnh xá Ngọc Mỹ - Mỹ Tho.
Danh tiếng về tài năng giảng thuyết và trước tác văn thơ của Hòa thượng vang đồn khắp cả nước trong những năm Ngài còn hành đạo. Hàng cư gia nô nức tìm về các pháp hội đạo tràng nơi Ngài đang rống lên tiếng rống hùng hồn của chánh pháp để được tắm mình trong suối nguồn diệu giác. Chính vì kính ngưỡng pháp âm của Ngài mà hàng ngàn tín đồ phát tâm quy y trở thành người Phật tử. Trong thời gian này các tịnh xá được thành lập như: Ngọc Lợi – Bạc Liêu, Ngọc Châu – Tân Châu, Ngọc Ánh – Chợ Mới, Ngọc Huệ - Tiền Giang, Ngọc Tường, Ngọc Mỹ – Mỹ Tho, Ngọc Tân – Long An, Lộc Uyển – Quận 6, Ngọc Diệp – Quận 3… Ngài còn đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo thời bấy giờ tham dự nhiều kỳ họp quan trọng trong nước và Phật giáo Quốc tế tại các nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai…

Tài năng của Hòa thượng còn quy tựu nhiều thành phần trí thức, thi văn trở về cộng tác để xây dựng tòa soạn báo và nhà phát hành các ấn phẩm Phật pháp góp phần xây dựng Văn học Phật giáo cho đất nước. Các tác phẩm nổi tiếng của Ngài được chào đón nồng nhiệt như: Thẳng Nét Mực Tàu, Tôn Giáo Và Thế Giới Ngày Mai, Giác Huệ Thi Tập, Bông Huệ Trong Rừng Thiền, Tình Trong Lửa Đạn, Đường Xa Xứ Lạ, Thằng Sửu Con Loan…”
Trong buổi lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thiện Phước đã ôn lại những kỷ niệm mà Hòa thượng Giác Huệ khi xưa đã làm lợi ích cho nhân sinh.

Trước đó vào lúc 7g sáng cùng ngày Chư Tăng - Ni trong Giáo đoàn được kính cung đón Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng an thường trực Hệ phái Khất sĩ đến thắp hương tưởng niệm Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn 6 và có đôi lời pháp lành chia sẻ đến Chư Tăng – Ni trong Giáo đoàn.