GNO - Tôi đang tìm hiểu Tam tạng Pāli. Tôi biết sơ về năm bộ Nikāya như Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Tiểu bộ kinh. Năm bộ này là Kinh tạng, còn lại là Luật tạng và Luận tạng. Tuy nhiên, trong quá trình đọc các bài viết về Phật học tôi được biết một số đoạn kinh được trích từ kinh Pháp cú, kinh Phật tự thuyết, kinh Mi-tiên vấn đáp, kinh A-hàm v.v…, và rất nhiều kinh khác nữa. Tôi không biết những kinh này có nằm trong năm bộ Nikāya không? Tôi muốn quý Báo cho biết về tổng quan hệ thống Tam tạng Pāli để dễ tra cứu và tham chiếu.

(BA PHẠM, mokeh...@gmail.com)

Bạn Ba Phạm thân mến!

Tam tạng Pāli là hệ thống Kinh-Luật-Luận của Phật giáo Nam truyền (Nam tông, Nguyên thủy), chính xác là Phật giáo Theravāda.

- Luật tạng gồm năm bộ: 1-Phân tích giới Tỳ-khưu, 2-Phân tích giới Tỳ-khưu-ni, 3-Đại phẩm, 4-Tiểu phẩm, 5-Tập yếu.

- Kinh tạng gồm năm bộ như bạn đã biết: 1-Trường bộ kinh, 2-Trung bộ kinh, 3- Tương ưng bộ kinh, 4- Tăng chi bộ kinh, 5-Tiểu bộ kinh. Trong đó, mỗi bộ kinh được chia thành nhiều tập, mỗi tập bao gồm nhiều thiên, nhiều chương, nhiều kinh với nội dung và độ dài ngắn khác nhau. Trường bộ kinh chia thành hai tập, gồm 34 kinh. Trung bộ kinh chia thành ba tập, gồm 152 kinh. Tương ưng bộ kinh chia thành năm thiên, gồm: 1-Thiên Có kệ, 2-Thiên Nhân duyên, 3-Thiên Uẩn, 4-Thiên Sáu xứ, 5-Thiên Đại phẩm. Tăng chi bộ kinh chia thành 11 chương, từ chương Một pháp đến chương Mười một pháp. Đặc biệt, Tiểu bộ kinh là một hợp tuyển gồm 15 tập theo thứ tự như sau: 1-Kinh Tiểu tụng, 2-Kinh Pháp cú, 3-Kinh Phật tự thuyết, 4-Kinh Phật thuyết như vậy, 5-Kinh Tập, 6-Chuyện Thiên cung, 7-Chuyện Ngạ quỷ, 8-Trưởng lão Tăng kệ, 9-Trưởng lão Ni kệ, 10-Bổn sanh hay Chuyện tiền thân Đức Phật, 11-Nghĩa tích, 12-Vô ngại giải đạo, 13-Thánh nhân ký sự (Sự nghiệp anh hùng), 14-Phật sử, 15-Sở hạnh tạng.

- Luận tạng (Thắng pháp, Vi diệu pháp, A-tỳ-đàm) gồm bảy bộ: 1-Pháp tụ, 2-Phân tích (Phân biệt), 3-Chất ngữ (Giới thuyết), 4-Nhân chế định (Nhân thị thuyết), 5-Ngữ tông (Biện giải), 6-Song đối (Song luận), 7-Vị trí (Phát thú).

Khi bạn đọc các bài Phật học có trích dẫn nguồn kinh, vì cách thức dẫn nguồn khác nhau nên cũng khá khó khăn cho người đọc tra cứu. Ví dụ như kinh Pháp cú, kinh Phật tự thuyết mà bạn hỏi thì thuộc Tiểu bộ kinh, nằm trong năm bộ Nikāya.

Kinh Mi-tiên vấn đáp (Milindapanha) là bản kinh được hình thành về sau. Về lý thì không được xem là kinh. “Xuất hiện vào khoảng 500 năm sau Phật Niết-bàn, do ngài Pitakaculàbhaya ở Trung Ấn Độ trước thuật bằng tiếng Pāli. Nội dung kể lại những câu hỏi, đáp giữa vua Milinda và Tỳ-kheo Nàgasena. Đi sâu vào những lời đối thoại, người nắm giáo nghĩa của Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) dễ nhận ra rằng, những vấn đề được đề cập hoàn toàn là tinh yếu của Tam tạng Pàli, chưa hề pha tạp tư tưởng và kiến giải của các bộ phái phát triển sau này. Do vậy, Phật giáo Miến Điện xếp bộ kinh Milindapanha vào Thánh điển, và Phật giáo Tích Lan đặt chung với năm bộ Nikàya để tôn thờ và phụng hành” (Hòa thượng Giới Nghiêm, Mi-tiên vấn đáp, Lời nói đầu).

Riêng kinh A-hàm là bộ kinh tương đương với năm bộ Nikāya gồm Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm Tạp A-hàm. Năm bộ Nikāya được ghi bằng ngôn ngữ Pāli. Bốn bộ A-hàm được ghi bằng tiếng Sanskrit, về sau được dịch sang chữ Hán. Dù có phần lớn nội dung tương đồng với năm bộ Nikāya nhưng bốn bộ A-hàm không xếp vào tạng kinh của Phật giáo Nam truyền mà thuộc kinh điển Phật giáo Bắc truyền.

Ngoài chánh tạng (Tam tạng Pāli) còn có các bộ chú giải, phụ chú giải, lịch sử (Đảo sử- Dipavamsa, Tiểu sử- Cullavamsa), đặc biệt là Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) do ngài Buddhaghosa soạn đều có vai trò quan trọng trong giáo điển Phật giáo Nam truyền.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn: giacngo.vn