Giữa những biến động của xã hội, thiên nhiên tác động lên cảm xúc, suy nghĩ của con người mới hay rằng Đức Phật với bốn Đại Bi Tâm, Ngài cũng không thể cứu vớt chúng sinh từ nơi cảnh tử để giành lại được sự sống, mà chỉ hướng dẫn chúng ta biết được con đường thoát ly khỏi quy luật sinh tử-khổ đau.


Thiền sư Vạn Hạnh với tâm giác ngộ bừng sáng, đã ban lời Chân Tâm đến với chúng đệ tử của mình: “theo các Ngươi thì các Ngươi có thể nương tựa vào đâu? Ta thì ta không nương tựa vào nơi có thể nương tựa và cũng chẳng thể nương tựa vào nơi không thể nương tựa”. Vị Quốc Sư triều đại Lý - Trần, là người con Việt, Ngài đem hết tâm lực và trí lực phục vụ đất nước, nhân dân dựa trêncăn bản Tâm Đại Bi dấn thân phụng sự và giải thoát. Tâm làm Sự nghiệp cứu cánh. Sự nương tựa vững chắc là nương tựa nơi chính con người chúng ta “như nhơn ẩm thủy lãnh noãn tự tri – như người uống nước nóng lạnh tự biết”. Vật chất, con người, thiên nhiên, vũ trụ luôn vận hành theo một quy luật tuần hoàn nhất định và quan hệ chặt chẽ với nhau giữa sự tương tác tâm thức của con người với thế giới bên ngoài và cái biết của ta về thế giới hiện tượng hay tâm linh được biết qua sự nhận thức theo con đường giáo dục, từ sách vở, kinh nghiệm sống, sự cảm nghiệm và thực chứng Tu.

Lời Phật– Ý tổ không sai khác. “Chúng sanh là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự của Nghiệp, Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là nhân tố phán xét” (Trung Bộ Kinh), Đức Thế Tôn có tác động chăng cũng mong rằng, trí tuệ và nhận thức của con người tự thực chứng.

Đã từ lâu, chúng ta đem lòng hoan hỷ, ca vang đón hội Trăng rằm Tháng Tư với tâm thức trong sáng, tinh khôi và thành kính dâng lên Ngài. Tận trong tâm thức của muôn người có rất nhiều suy nghĩ, cảm tưởng khác nhau nhưng tựu chung đó là lòng biết ơn đến với Ngài. Thái tử Tất Đạt Đa đã sống trong hạnh phúc gia đình, vợ con, nhưng ở một góc nhìn khác Ngài thấy đó là sự ràng buộc và Rahula – con Ngài là minh chứng cho sự ràng buộc tình cảm của sanh tử luân hồi. Ngài từ bỏ cuộc sống thượng tầng để đặt mình trong sự trải nghiệm tu hành khổ hạnh “sáu năm khổ hạnh rừng già - vì ta ăn quá ít mỗi ngày nên cơ thể ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của ta trở thành giống như móng trâu, xương sống và cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Đồng tử của ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo.” (Kinh Đại Khổ Uẩn – Trung Bộ Kinh).

Lộ trình tu tập giải thoát những khổ đau trong đời là sự phi thường của những con người phi thường. Là người con Phật, chúng ta đã học kỹ, lời dạy của đức Phật rằng: “tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Làm sao chúng ta có thể hiểu chư Phật khi chúng ta không có được tâm thức như Phật. Và dần theo thời gian người đệ tử Phật đã hiểu “ai thấy Pháp là thấy Như Lai”. Vượt ra ranh giới trừu tượng của ngôn ngữ, con người chỉ biết sống bằng cảm nhận. Chúng ta cảm nhận Đức Phật như người cha hiền từ rất thương con mình.

Tuy nhiên, tình thương con của một người Cha là lời âu yếm ngọt ngào, bằng khối tâm trí vướng bận, thương khi con ngoan ngoãn biết suy nghĩ, làm những điều đúng đắn, cho con roi vọt khi con lầm lỗi. Phải chăng đó là ẩn ý của bài học tình thương và sự hiểu biết.

Đức Phật đã nhập niết bàn hữu dư, cách chúng ta đã hơn 2500 năm về trước, tuy nhiên cho đến hôm nay trong hơi thở, và trong cuộc sống thường nhật nơi đâu chúng ta cũng có Phật - Chư Phật không sanh không diệt.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn thể nhân loại đang đối diện với đại dịch đã khiến tâm thức của rất nhiều người kinh hoàng, và sống trong sự lo âu, sợ hãi. Nên biết rằng, năng lượng bất thiện được tích tụ từ những tâm ý và hành động bất nhơn của con người qua thời gian, hôm nay phải tự đối diện và nhận lãnh nghiệp báo. Dịch bệnh COVID-19 (Corona virus 2019) là kết quả của sự xấu ác, một mặt nào đó là hiện tướng của phương tiện để nói lên rằng, những gì ta tạo ra thì tự ta phải nhận lấy hậu quả, dù bất kể hạng người nào, ở quốc độ nào. Và vì vậy, sự tưởng niệm ngày Đấng Từ phụ ra đời – cũng là dịp chúng con suy niệm lại lời dạy của ngài thêm trong sáng và tăng trưởng tuệ căn.
Mong rằng có một ngày mai tươi sáng, thức giác mới được ra đời, một hành động thiện lành được gieo xuống, một xã hội luôn an lành.


Trích từ "Ấn phẩm văn hóa Tâm Thị"

Trung Nghi

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com