GNO - Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giác Ngộ Online giới thiệu lại các tư liệu về quá trình vận động, hình thành và phát triển của Giáo hội những năm qua. Nội dung dưới đây nằm trong tuyến bài do Báo Giác Ngộ thực hiện.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập vào ngày 7-11-1981 tại Hà Nội, là kết tinh trí tuệ và nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam sau thời gian vận động thống nhất các tổ chức, hệ phái trong cả nước.

Phật giáo du nhập Việt Nam rất sớm, đầu kỷ nguyên Tây lịch, trực tiếp từ Ấn Độ. Trong giai đoạn đầu, Phật giáo đã được tiếp nhận và trở thành tư tưởng chủ đạo trong nền văn hóa dân tộc, làm phong phú cho nội dung của nền văn hóa bản địa.

Những dấu ấn trên con đường vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ảnh 1

Liên hoa đài thuộc chùa Diện Hựu ở kinh thành Thăng Long - Ảnh tư liệu

Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo luôn đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của xứ sở, trong công cuộc xây dựng đất nước cũng như chống ngoại xâm. Truyền thống đó được tiếp nối qua các thời đại, tô bồi cho khối đại đoàn kết toàn dân.

Với tinh thần khế cơ khế lý, Phật giáo cũng có những vận động, chuyển mình đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Trong quá trình phát triển đó không thể quên những dấu ấn thống nhất Phật giáo như những dấu son trong trang sử của Phật giáo VN.

Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm thời Trần

Sau hơn một ngàn năm kể từ khi du nhập, Phật giáo qua các giai đoạn vận động, đã trở thành tư tưởng chủ đạo đem lại nguồn sinh lực nuôi dưỡng ý thức độc lập tự chủ dân tộc.

“Trong hơn hai ngàn năm hiện diện trên đất nước VN, đồng hành cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tin cậy và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. (Trích Lời nói đầu Hiến chương GHPGVN)

Từ nền tảng Phật giáo quyền năng, dần dần tư tưởng căn bản của Phật giáo đã đi vào đời sống văn hóa, giáo dục, phát triển trở thành tư tưởng vị nhân sinh, gắn liền với yêu cầu cụ thể của lịch sử, tiếp sức sống mãnh liệt cho tinh thần quật cường của toàn dân trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, xây dựng đất nước thái bình.

Đỉnh cao của tinh thần đó là ở thời nhà Trần. Và cũng chính trong giai đoạn này, Phật giáo lần đầu tiên có sự thống nhất, với danh xưng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do Trúc Lâm Đại đầu đà Trần Nhân Tông (1258-1308) chủ trương.

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thực sự là một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên trong lịch sử Phật giáo VN, dung hợp các dòng thiền hình thành trước đó cũng như đương thời.

Tư tưởng Phật giáo của Giáo hội thời bấy giờ được Điều ngự Giác hoàng thiết định là nền Phật giáo nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội lành mạnh theo nền tảng của mười thiện nghiệp - những nguyên tắc đạo đức căn bản của Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng ấy được thể hiện qua những tác phẩm quan trọng được lưu truyền cho đến ngày nay, đó là Cư trần lạc đạo phú  Ðắc thú lâm tuyền thành đạo ca, thiết thực hiện tại, gắn liền với việc cải thiện chất lượng sống, an sinh xã hội.

Với vai trò đặc biệt của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, vị minh quân từ bỏ ngai vàng xuất gia trở thành thiền sư, việc thống nhất Phật giáo đã diễn ra một cách thuận lợi, như một tất yếu của lịch sử. Kết quả này được sự ngoại hộ của triều đình và được sự ủng hộ của quần chúng, đã phát triển dưới thời Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), thành tựu nổi bật là xây dựng trung tâm đào tạo Tăng tài Quỳnh Lâm nổi tiếng.

Giáo sư, Nhà sử học Trần Văn Giàu

Nghiên cứu về mối tương quan mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc, Giáo sư Trần Văn Giàu (1911- 2010) đã nhận định “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”.*


Tổng hội Phật giáo Việt Nam - cuộc thống nhất Phật giáo lịch sử thứ hai

Cuối thời Trần, đất nước ta lại rơi vào hoàn cảnh bị phương Bắc xâm lăng, với chính sách khốc liệt, Phật giáo là một trong những đối tượng để nhà Minh nhắm vào trong mục đích hủy diệt văn hóa để đô hộ lâu dài.

Nạn phân hóa quyền lực dưới thời vua Lê - chúa Trịnh, rồi bị chia cắt Bắc, Trung, Nam dưới thời Pháp thuộc, nhân tâm loạn ly, Phật giáo cũng chung với số phận của dân tộc, như các nhà nghiên cứu lịch sử đã nhận định, tình hình “không mấy sáng sủa”, nếu không nói là suy thoái.

Nửa đầu thế kỷ XX, một số vị cao tăng nhiều thao thức với tiền đồ của đạo pháp, nổi bật trong đó là Tổ Khánh Hòa (1877-1947) đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo, xuất phát từ miền Nam, sau đó lan rộng ra miền Bắc và miền Trung. Trong làn sóng chấn hưng đó, nhiều hội đoàn Phật giáo được thành lập ở cả ba miền.

Tuy cũng có danh xưng Phật giáo, nhưng do sự khác biệt hoàn cảnh và quan điểm, các hội đoàn thời bấy giờ không có sự gắn kết trong một đường hướng chung. Ý thức được điều đó, chư tôn đức giáo phẩm, các vị cư sĩ Phật giáo uy tín đã vận động đi đến sự thống nhất lần thứ hai trong lịch sử Phật giáo VN, qua hội nghị của đại biểu sáu tập đoàn Phật giáo ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc tổ chức tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa, nay là Thừa Thiên Huế) năm 1951, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (gọi tắt là Tổng hội), suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1891-1973) làm Hội chủ.

Những dấu ấn trên con đường vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ảnh 3

Các đại biểu tham dự Hội nghị thành lậpTổng hội Phật giáo VN tại chùa Từ Đàm - Huế (1951) - Ảnh Tư liệu GN

Tổng hội ra đời đáp ứng được nguyện vọng của tín đồ Phật giáo thời bấy giờ, những ao ước từ hai mươi năm trước đó về một nền Phật giáo VN thống nhất trên toàn quốc. Niềm hoan hỷ của toàn thể tín đồ Phật giáo dâng trào trước sự kiện này, thăng hoa trong nhạc phẩm với hùng tráng và ca từ sâu lắng của nhạc phẩm “Phật giáo Việt Nam” do nhạc sĩ Lê Cao Phan (1923-2014) sáng tác chào mừng, nay đã trở thành Đạo ca của GHPGVN được Hiến chương quy định.

Tổng hội đã suy tôn Hội chủ và Ban Quản trị, các phát ngôn viên ở ba miền là chư tôn đức giáo phẩm có uy tín ở các tập đoàn Phật giáo tại ba miền, ra Bản Tuyên ngôn bày tỏ ý chí về một đường lối chung trong tinh thần cởi mở và phương tiện của Phật giáo Đại thừa. Và để thể hiện đường lối đó, Tổng hội chủ trương thành lập cơ quan ngôn luận là tạp chí Phật giáo Việt Nam.

Về cơ bản, cơ chế Tổng hội tuy thống nhất nhưng sáu tập đoàn Phật giáo thành viên vẫn sinh hoạt tương đối độc lập, vai trò của Tổng hội thiên về đối ngoại các tổ chức Phật giáo trên thế giới. Với cơ chế đó, Tổng hội đã phát huy sức mạnh liên kết, linh hoạt vận động và tạo được sức mạnh tổng hợp, thành lập được các trung tâm đào tạo Tăng tài, hệ thống các Phật học viện, đặc biệt là lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của Chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963, tạo nên những dấu ấn lịch sử không chỉ đối với Phật giáo mà cả với dân tộc và thế giới.

Sau Hiệp định Geneve, năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt hai miền, ranh giới là vĩ tuyến 17. Danh nghĩa Tổng hội theo đó cũng không còn trọn vẹn, chỉ hoạt động trên nửa phần đất VN, đó là chưa kể đến những sứt mẻ cũng như sự can thiệp trong ý đồ phân hóa từ các thế lực khác không muốn Phật giáo hoạt động hiệu quả.

Song song đó, từ năm 1960, tại miền Bắc, Tăng Ni Phật tử tại các vùng giải phóng và các vùng tạm chiếm cũ đã tập hợp dưới một tổ chức chung gọi là Hội Phật giáo Thống nhất VN do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng.

Những dấu ấn trên con đường vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ảnh 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu Hội Phật giáo VN, ngày 3-1-1957 - Ảnh: TTXVN

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN)

Trong tình hình mới, ngày cuối năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, 6 tập đoàn cũ thuộc Tổng hội cùng với 5 tổ chức, tông phái Phật giáo thời bấy giờ đã nhóm họp tại chùa Xá Lợi - Sài Gòn, sau những thảo luận đã cùng đi đến nhất trí quyết nghị thống nhất dưới một tổ chức duy nhất là GHPGVNTN.

Cơ cấu lãnh đạo của GHPGVNTN gồm có hai viện, đó là Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo. Giáo hội cũng đã công bố Hiến chương và chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo hai viện vào ngày 4-1-1964. Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tăng thống; Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu được bầu làm Viện trưởng Viện Hóa đạo đầu tiên.

GHPGVNTN ra đời được xem là bước tiến, xóa bỏ tính biệt lập các tập đoàn trong cơ chế Tổng hội, đồng thời mở rộng các hệ phái, truyền thống Phật giáo mà trước đó chưa hiện diện trong Tổng hội, như Phật giáo Nam tông.

Những dấu ấn trên con đường vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ảnh 5

Ngọn lửa vô úy Bồ-tát Thích Quảng Đức - biểu tượngcủa cuộc đấu tranh bất bạo động chống chính sách kỳ thị tôn giáo năm 1963

GHPGVNTN đặt trụ sở ban đầu tại chùa Ấn Quang. Lãnh đạo tinh thần tối cao là Viện Tăng thống, đứng đầu là Đức Tăng thống. Điều hành mọi hoạt động Phật sự là Viện Hóa đạo với hệ thống các Tổng vụ, chuyên trách từng lĩnh vực như Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Thanh niên, Tài chánh, Kiến thiết…

GHPGVNTN ngay từ lúc thành lập đã tạo nên niềm phấn khởi cho Tăng Ni, tín đồ và thành tựu nhiều Phật sự, nổi bật với Viện Đại học Vạn Hạnh, tiếp tục duy trì và phát triển các Phật học viện, dấn thân vào lĩnh vực giáo dục tư thục, y tế cộng đồng, công tác xã hội... Sự thống nhất này là một dấu son trên con đường vận động thống nhất của Phật giáo VN, đem đến nhiều hoạt động hiệu quả, nhưng cũng chưa trọn vẹn, vì chỉ hoạt động tại miền Nam và chỉ trong những vùng chưa được giải phóng.

Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), GHPGVNTN vẫn được duy trì hoạt động, cùng với các tổ chức Giáo hội tại miền Bắc cho đến lúc tham dự vào ngôi nhà GHPGVN được thành lập (1981), thực sự thống nhất toàn quốc.

---

* “Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam”, in trong “Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng của dân tộc”, Viện Triết học xuất bản, HN, 1998, trang 15.

“Nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thực hiện qua các thời kỳ, nhưng chưa được trọn vẹn.”- như nhận định trong Lời nói đầu của Hiến chương GHPGVN. Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau để tiếp tục tìm hiểu con đường vận động thống nhất Phật giáo VN - đi đến thành lập GHPGVN.

Hoàng Độ/Báo Giác Ngộ

Nguồn: giacngo.vn