Sáng nay, ngày 10/08/2022 nhằm 13/07/Nhâm Dần. Theo sự chỉ đạo của Ban Trị sự Giáo đoàn 6 Hệ phái Khất sĩ, tịnh xá Trúc Lâm, ấp Thạnh Nam, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, đại đức Thích Minh Dẫn đã cùng Tăng chúng bổn tự tổ chức lễ tưởng niệm cố Trưởng lão Giác Đức pháp tử Tổ sư Minh Đăng Quang, Phó Giáo đoàn 6 Hệ phái Khất sĩ, cũng như tổ chức tu học 1 ngày để tưởng niệm đến bậc Thầy quá cố.



Thời khóa tu học Tăng đoàn thực hành chánh niệm trong mỗi hành trì. Buổi sáng thiền tọa, thiền hành,

Nghe pháp tại khu vườn Sa La của tịnh xá. Trong buổi chia sẻ pháp, Hòa thượng Giác Điệp đã chia sẻ với đại chúng thời Pháp Y Bát Chơn Truyền của Tổ Sư Minh Đăng Quang: Y bát là mảnh áo, chén cơm, sao gọi là y bát chơn truyền?

Ngài nhấn mạnh: Bởi đạo Phật là đạo Khất sĩ du Tăng, con đường của bậc giác ngộ. Đi theo con đường ấy là đến với chơn lý của võ trụ, để đạt mục đích Niết bàn. Khất sĩ y bát, là bậc thượng trí, sau sự học của lớp thế gian. Kẻ du học ấy phải đi xin ăn, mặc một bộ áo ba manh và một cái chén đựng đồ ăn, để nhẹ mình lo tu học và đi khắp xứ.

10g30 lễ tưởng niệm Trưởng lão Giác Đức diễn ra trang nghiêm và ấm cúng. Đại đức Minh Dẫn đã trùng tuyên tiểu sử của Trưởng lão, một cuộc đời đạo nghiệp của Trưởng lão là tấm gương để hàng hậu học noi theo.

14g chiều tại giảng đường Giác Huệ cũng diễn ra buổi sinh hoạt Giáo đoàn 6: Định hướng và phát triển cuả Giáo đoàn.

18g chiều, lễ hoa đăng tượng niệm Tứ trọng ân cũng như cầu siêu cho những người đã mất vì dịch bệnh Covid 19. Trong buổi lễ Thượng tọa Giác Nhuận đã chia sẻ: Ân nghĩa là một truyền thống luân lý đạo đức được truyền từ ngàn xưa đến nay. Bất cứ dân tộc nào, đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng yếu. Cho nên tục ngữ có câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó là một quy luật đạo đức và cũng là hạnh nguyện lớn nhất của người con Phật. Do vậy, những lời dạy của Đức Phật rất gần gũi với nếp sống tình cảm của mỗi gia đình người Việt, là tình thương bao la đối với mọi người và cả cỏ cây, quê hương đất nước. Đức Phật đã đi vào lòng người vì giáo lý của Ngài thấm nhuần tính nhân bản. Ngài không dạy những gì cao siêu xa xôi mà chỉ cho ta nhìn thẳng vào thực tại. Ngài dạy cho ta về bốn ân quan trọng và cao quý thức tỉnh người con Phật phải nhớ đến bổn phận của mình. Bốn ân ấy được coi là những đạo lý quan trọng của con người. Đó chính là nền tảng đạo đức căn bản của con người.


Diệu Anh