Hôm nay, ngày 03/12/2019 nhằm 08/11/Kỷ Hợi, tại tịnh xá Trúc Lâm ấp Thạnh Nam, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh trực thuộc Giáo đoàn 6.Thượng tọa Minh Thành đương vi giáo thọ Sư khóa tu đã chia sẻ đến Chư hành giả thời pháp: Chơn lý với chữ hòa và chữ tâm của Tam giáo.



Thượng tọa chia sẻ sự hạnh phúc khi những người con Phật làm đúng những gì Đức Phật muốn chúng ta làm; đó là sự tinh tấn, tinh tấn để giải thoát và giác ngộ. Ngang qua bài thơ của HT Giác Huệ

Ai nở phân chia tôn giáo bạn?

Ai đành kỳ thị những da, màu

Ai còn giai cấp, khinh giai cấp

Tu sĩ ta nguyền siết chặt nhau. (Trích đoạn trong bài Bạn + Tôi = Chúng ta. T.119)

Bài thơ nói lên tình cảm đại đồng không phân chia màu da, tôn giáo, giai cấp của người con Phật. Sự không phân chia đó thể hiện hai chữ Hòa và Tâm.

Trong quyển Chơn lý Tam giáo số 27 có câu chuyện Lão tử nhìn Khổng tử, Khổng tử nhìn Lão Tử, Chơn lý nhìn cả hai.

 Sau thời nhà Châu, đất nước Trung Quốc loạn lạc, thời xuân thu chiến quốc hai vị Lão và Khổng xuất hiện ở Trung Quốc, Phật xuất hiện ở Ấn Độ.

Và có 1 lần hai vị Khổng và Lão gặp nhau, nói chuyện Chơn lý với nhau (Mộng Bình Sơn, Sử Ký Tư Mã Thiên của Nxb Văn nghệ 2001). Cuối cùng Khổng tử thất bại khi trao đổi với Lão tử vì hai vị này có hai lối đạo học khác nhau. Đó là chữ hòa chưa trọn vẹn.

 Về chữ hòa giáo lý Phật dạy cả chúng sanh hay hơn hết, Lão tử dạy xã hội hay hơn hết, Khổng tử dạy gia đình hay hơn hết nhưng mỗi vị đều  có dạy cả ba pháp và chỉ giữ riêng một lớp sở trường để dắt chúng sanh đến đạo như nhau, nên gọi là “Tam quy hiệp nhất”, ba giáo một nhà cùng nhau chú trọng có một chữ “Hòa” . Mà hòa là đạo, đạo là trung, trung là kết quả. Đó là chữ hòa trọn vẹn.


Cũng như trong Chơn lý Tâm số 21 đã thiết kế một danh sách khá dài bao gồm Tam giáo Nho – Lão – Phật trong minh triết phương Đông: “Kìa như khi xưa, đức Khổng Tử dạy nhơn đạo, lấy chữ “Nhơn” làm tâm. Đức Lão Tử lấy cái “Không” làm tâm, người tu kẻ lấy “Giới” làm tâm, kẻ thì lấy “Định” làm tâm, kẻ thì lấy “Huệ” làm tâm. Phật thì lấy “Chơn” làm tâm, Trời thì lấy “Thiện” làm tâm ... Có kẻ lấy “Nghĩa” làm tâm, người lại lấy “Lễ” làm tâm, kẻ lấy “Trí” sự học, cái biết làm tâm, người lấy chữ “Tín” làm tâm. Đó là chữ Tâm.


Để tái hiện đời sống phạm hạnh của Phật năm xưa cũng như của Tổ Chư hành giả sau khi đi trì bình khất thực trong khuôn viên rừng Sala tìm chỗ ngồi độ ngọ tại những tảng đá dưới gốc cây. Trước khi độ ngọ Chư hành giả đã đọc kinh cầu nguyện và hồi hướng phước lành đến các Phật tử từ các miền tịnh xá của Giáo đoàn 6 cũng như Phật tử gần xa đã trở về dâng cúng thực phẩm trong khóa tu cũng như dâng lời phát nguyện hộ trì khóa tu để hồi hướng công đức làm được cho cửu huyền thất tổ và cầu an cho gia đình.

Chùm ảnh thiền hành và thiền tọa ngày thứ 5 của khóa tu

Chùm ảnh kỷ niệm của Chư hành giả khóa tu lần thứ 30 tại tịnh xá Trúc Lâm, Tân Biên, Tây Ninh.



Tin và ảnh: Diệu Anh