Tiểu sử

HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC ĐỨC

- Pháp tử đức Tổ sư Minh Đăng Quang

- Đệ nhị Trưởng Giáo đoàn 6- Hệ phái Khất sĩ

- Thành viên Hội đồng Chứng minh Hệ phái Khất sĩ

- Viện chủ tịnh xá Lộc Uyển


Ngài có cuộc đời đạo nghiệp như sau:

1. Thân thế thời niên thiếu

Cố hòa thượng Thích Giác Đức thế danh Phạm Văn Hòa, sanh năm Bính Tý (1936) tại làng Tân Nhuận Đông-  Sa Đéc nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Ngài sinh trưởng trong gia đình nông dân hiền lương, có nề nếp nho phong lễ giáo, chân chất hiền hòa. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Vạng, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nguyên. Cố Hòa thượng là đứa con thứ tám trong gia đình có 9 anh em. Lúc lên 5 tuổi thì người mẹ hiền qua đời. Bảy năm sau, khi Hòa thượng lên 12 tuổi thì người cha đáng kính cũng ra đi về cõi vĩnh hằng. Những sự mất mát lớn lao này đã để lại cho cố Hòa thượng bao nỗi sầu lo thương nhớ. Từ đó, Hòa Thượng sống trong sự đùm bọc chở che của các anh, chị trong gia đình và đi học hết bậc tiểu học.

2. Thời kỳ xuất gia

Thời gian thấm thoát như thoi đưa, mới đó mà đã hai năm kể từ khi vắng bóng cha. Vào một đêm đang say giấc nồng thì người anh thứ ba của cố Hòa thượng được cha báo mộng rằng: “Ngày mai con hãy thỉnh ông Thầy đi khất thực trước nhà vào siêu độ cho cha”. Quả đúng như lời ứng mộng, sáng hôm sau Đức Tổ sư Minh Đăng Quang trong chiếc hoàng y phấp phới, tay ôm bình bát, khoan thay đi vào làng khất thực, với dung mạo uy nghiêm và  sắc tướng phi phàm, khiến cho cả nhà đều kính phục, nên cung thỉnh Đức Tổ sư vào nhà để sớt bát cúng dường, tụng kinh siêu độ cho cha. Cũng nhờ vào nhân duyên này mà gia đình của cố Hòa thượng có 03 anh chị em phát tâm xuất gia theo Tổ sư vân du hành đạo.

Người đầu tiên là Cố Thượng tọa Thích Giác Thanh phát tâm xuất gia với Tổ Sư tại Tịnh xá Ngọc Quang Sa Đéc, kế đến là cố hòa thượng Thích Giác Đức và người sau cùng là cố ni trưởng Thích Nữ Quảng Liên.

Hòa Thượng xuất gia vào ngày 15/6 /1950, lúc đó Ngài vừa tròn 14 tuổi. Trong các đệ tử của Tổ sư thì cố Hòa thượng là người nhỏ tuổi nhất, nhưng lại có đức khiêm cung, điềm đạm và rất tinh tấn trên bước đường tu học nên được đức Tổ Sư yêu mến mà hết lòng chỉ dạy. Mặc dù được sự ưu ái như vậy, nhưng cố Hòa thượng vẫn không tỏ ra là người kiêu căng mà Ngài luôn cố gắng tu học nhiều hơn nữa và được Đức Tôn sư cho làm thị giả cùng Người đi hành khắp Nam Trung đất Việt.

3. Thời kỳ hành đạo

Đến 1954, vào ngày mùng 01 tháng 12 năm Giáp Ngọ, Đức Tôn sư Minh Đăng Quang, người Thầy khả kính của cố Hòa Thuợng lâm nạn trên đường đi hành đạo tại Vĩnh Long. Mặc dù không còn Thầy bên cạnh, nhưng cố Hòa thượng và các huynh đệ vẫn tinh tấn tu học, không hề xao lãng để khỏi phụ lòng Người trước lúc đi xa. Vào mỗi buổi sáng cố Hòa thượng đi khất thực hóa duyên, buổi chiều nghe pháp học kinh, tối đến tham thiền nhập định, quán chiếu soi rọi nội tâm, diệt trừ phiền não…

Trên khắp mọi nẻo đường đất nước, nơi nào mà cố Hòa thượng đặt chân đến, Ngài đều đem lại cho mọi người bao niềm an lạc. Mỗi lời giảng của Ngài đều mang hương vị giải thoát, làm cho mọi người vơi đi sự đau khổ của cuộc đời và hướng đến con đường đạo đức.

Cây khô xuân đến hoa nở rộ,

Gió thoảng ngàn xưa hương ngát bay”

Vào năm 1962, Ngài cùng Hòa thượng Giác Huệ thành lập Giáo đoàn 6 và xây dựng thêm một số Tịnh xá cho giáo đoàn cũng như Giảng đường Lộc Uyển tại Tp. Hồ Chí Minh làm trụ sở của Trung tâm Giáo đoàn- 6 Hệ phái Khất sĩ. Với chức danh là phó trưởng đoàn, Ngài đã giúp HT. Giác Huệ gánh vác trọng trách làm ổn định tình hình sinh hoạt và tu tập của chư tăng trong giáo đoàn để HT. Giác Huệ an tâm dẫn đoàn du tăng hành đạo ở các tỉnh miền trung nước Việt. Cũng trong thời gian này, với sự ủng hộ tài vật của Phật tử, Ngài đã xây dựng tịnh xá Ngọc Thuận tại xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Vào năm 1972, nhận thấy tình hình sinh hoạt của giáo đoàn đã đi dần vào nề nếp, nhân việc Phật tử Thiện Đức ở Tây Ninh có mua 01 mảnh đất ở Đà Lạt, xây dựng nên 01 ngôi tịnh xá Ngọc Hiếu và thỉnh Ngài về làm trụ trì và hướng dẫn cho Phật tử vùng cao nguyên tu tập. Nhận thấy đây là việc cần làm nên Ngài đã giao tịnh xá Ngọc Thuận cho ni trưởng Quảng Liên làm trụ trì, còn mình  về Đà Lạt làm Phật sự.

Vào năm 1982, sau 02 năm HT. Giác Huệ, đệ nhất trưởng giáo đoàn vắng bóng, chư Tăng trong giáo đoàn đã lên Đà Lạt cung thỉnh Hòa thượng về làm trưởng đoàn. Kể từ khi nhận nhiệm vụ, Hòa thượng củng cố lại sự ổn định về sự sinh hoạt của chư tăng của giáo đoàn. Hòa thượng cũng tiếp độ và tạo điều kiện giúp đỡ cho một số vị vào sinh hoạt chung trong giáo đoàn như: HT. Bửu Long, HT. Giác Vinh, TT. Giác Điệp, TT. Minh Điển, TT. Minh Nhân, TT. Minh Nhơn,… Và Ngài cũng tế độ cho rất nhiều đệ tử xuất gia như: TT. Giác Nhuận, ĐĐ: Giác Thiện, Giác Nghiêm, Giác Minh,… Bên cạnh đó, Ngài cũng hóa độ hàng ngàn người hướng thiện, làm Phật tử tại gia.

4. Thời kỳ thọ bệnh và viên tịch:

Những năm tháng cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Ngài vẫn luôn miệt mài dạy dỗ và khuyến tấn chư Tăng trong giáo đoàn nỗ lực tinh tấn tu học theo đường lối y bát Khất sĩ của Tổ sư  đã vạch ra. Ngài cũng vận động Phật tử trùng tu lại Giảng đường Lộc Uyển, cất Tăng xá cho Chư Tăng có chỗ ở mà yên tâm tu học. Với hàng Phật tử, Ngài thường xuyên thăm hỏi và nhắc nhở mọi người hãy tinh tấn trên bước đường tu nhân học Phật. Chẳng những thế, Ngài còn vận động làm từ thiện như lập Phòng thuốc Nam,  phát thuốc miễn phí hay tổ chức cứu trợ  ở những nơi bị thiên tai, lũ lụt và giúp đỡ người nghèo tại địa phương ...

Như người xưa đã dạy:

“Một mai thân xác tiêu tan,

Danh thơm, vẫn ở thế gian muôn đời,

Pháp thân, lồng lộng sáng ngời,

Chiếu soi nhân thế, rạng ngời chân xưa.”

Kể từ năm 1995 Cố Hòa thượng đã phải chịu cơn bạo bệnh ngặt nghèo, sức khỏe có phần giảm sút nhưng cố Hòa thượng vẫn nỗ lực thực hành Phật sự lợi lạc quần sanh, quyết tâm đi cho trọn con đường phụng sự đạo pháp và nhân sanh, nhưng lực bất đồng tâm, như cổ đức có câu:

“ Bầu thuốc thánh, đâu cứu được người hết số

Chén linh đơn, sao chữa được bệnh nan y”.

Cuộc đời như đóa phù vân, vô thường hợp tan có mấy ai mà tránh khỏi định luật sanh, lão, bệnh, tử. Ngài biết rõ quy luật đó nên vào lúc 12 giờ ngày 13 tháng 7 năm Đinh Sửu, Ngài đã an nhiên thị tịch không bận chút trần ai. Ngài đến với cuộc đời được 62 năm và vào đạo được 48 năm.

Sự ra đi của Ngài là nỗi mất mát lớn lao của Tăng ni Phật tử Hệ phái Khất sĩ. Từ nay cho đến suốt đoạn đường còn lại của môn đồ đệ tử không làm sao tìm lại được người Thầy khả kính làm mô phạm cho mọi người.

“ Người xưa nay đã còn đâu,

Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương.

Ra vào lòng dạ vấn vương

Bóng hình Đại sĩ du phương nơi nào.”

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma ha tát.