Tiểu sử cố Đại đức Minh Tâm


Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Cung kính ngưỡng bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Quý Ni trưởng, Ni sư, chư Đại đức Tăng Ni.

Kính thưa các cấp chính quyền lãnh đạo địa phương,

Kính thưa chư Thiện nam, Tín nữ Phật tử,

Đại đức Thích Minh Tâm sau 16 năm an trú trong chánh pháp với cương vị là người xuất gia chân chính có một cuộc đời đạo nghiệp như sau:

I. THÂN THẾ GIA ĐÌNH


Đại đức vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân hiền lương, chất phác nên từ nhỏ Ngài đã được hấp thu một nề nếp đạo đức quý báu. Do có duyên với Phật pháp nên khi trưởng thành và lập gia đình, Đại đức được Trưởng lão Thích Giác Kiên tiếp độ trong hàng cư sĩ. Đại đức thường xuyên lui tới đạo tràng Tịnh xá Ngọc Ánh tại Chợ Mới, An Giang để trì tụng kinh điển, lắng nghe chư Tăng chỉ dạy và phát tâm làm công quả các công việc trong tịnh xá. Nhờ vào công đức lành này mà gia đình trên thuận dười hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC

Vốn bản chất hiền lương, cùng với nếp sống đạo đức và tạo nhiều công đức lành nên nhân duyên xuất gia của Đại đức đến ngày thành tựu. Theo sự hướng dẫn của cố trưởng lão Thích Giác Kiên, đại đức đã được Hòa thượng Bổn sư Thích Giác Đức tế độ xuất gia vào tháng 04 năm 1994. Sau khi xuất gia trở thành người tập sự, Đại đức tinh tấn giữ gìn giới pháp, trọn lễ hầu thầy và hết lòng công quả theo đúng phận sự của mình. Cho nên, chỉ vỏn vẹn ba tháng đại đức được Hòa thượng Bổn sư chứng minh cho thọ giới Sa-di vào tháng 07 năm 1994, trở thành người tập sự chuẩn bị bước lên lớp Tỳ-kheo bình đẳng.

Cương giới Sa-di như tiếp thêm tinh thần tu học nên Đại đức tu hành rất tinh tấn. Trong thời gian này, Ban Điều hành Giáo đoàn VI chỉ dạy cho Đại đức theo Đại đức Thích Giác Nhuận về trông coi Tịnh xá Ngọc Châu tại Tân Châu, An Giang. Đây là ngôi đạo tràng được chính Đệ nhất trưởng Giáo đoàn VI là Hòa thượng Thích Giác Huệ tạo dựng. Không phụ lòng chư Tôn đức, Ngài đã hoàn thành mọi công việc được giao nên chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn hết sức tin yêu.

Ngài trở về lại thăm thân bằng quyến thuộc và khuyên người anh xuất gia với pháp danh Thích Huệ Bửu, hiện là Trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu.

Nhận thấy nết hạnh đã viên mãn nên Hòa thượng Thích Giác Đức -Đệ nhị trưởng Giáo đoàn VI đã chứng minh và giới thiệu Ngài thọ đại giới Tỳ-kheo bên Hệ phái tại đạo tràng Tịnh xá trung Tâm, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Với cơ duyên đầy đủ, Đại đức đã được chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái truyền thọ Cụ túc giới vào tháng 07 năm 1997 âm lịch. Từ đây, Ngài chính thức là vị xuất gia bình đẳng trong giáo pháp nhà Phật.

Cũng trong năm đó, những tưởng sau khi thọ giới Tỳ-kheo sẽ theo cùng Bổn sư tu tập và hành đạo thì đâu ngờ thuận thế vô thường, Hòa thượng Thích Giác Đức đã an nhiên thâu thần thị tịch để lại cho Đại đức niềm xót thương vô hạn. Nhưng với sự thấu hiểu Phật pháp, Đại đức vẫn vững chãi dấn thân tu hành để không phụ lòng bậc ân sư.

Sau khi thọ tang Hòa thượng Bổn sư xong, do tuổi đã cao nên Đại đức xin với Ban Điều hành Giáo đoàn được trở về tu học tại quê nhà nơi Tịnh xá Ngọc Ánh do Thượng tọa Thích Giác Mỹ trụ trì. Trở về tu tập ngay nơi chôn nhau cắt rốn, Đại đức ra sức dụng công tu tập, phụ giúp trông coi Tịnh xá và hỗ trợ nhiều Phật sự khác trong vai trò là Phó Trụ trì.

Sau một thời gian, chư Tăng tại Tịnh xá Ngọc Châu thỉnh mời Đại đức về nơi đây để cùng chung lo Phật sự. Và cũng tại nơi này, Đại đức chính thức điều hành mọi việc trong Tịnh xá.

Đặc biệt, Đại đức được Hòa thượng Thích Giác Tuấn, đương kim Trị sự trưởng Giáo đoàn VI mời làm trợ lý Giáo đoàn VI trong các phiên họp định kỳ của chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái và nhiều Phật sự quan trọng khác trong nội bộ Giáo đoàn.

Người con thứ 5 của Ngài là Đại đức Thích Minh Điền cũng noi gương lành của cha thế phát xuất gia tại Tịnh xá Ngọc Giang thuộc Giáo đoàn I. Hòa thượng Trưởng Giáo đoàn VI đã ngỏ lời xin phép Hòa thượng Thích Giác Giới - trưởng Giáo đoàn I cho Đại đức Minh Điền trở về Giáo đoàn VI cùng Đại đức Minh Tâm chăm lo Phật sự tại Tịnh xá Ngọc Châu này.

Đại đức có một đời sống thanh bần đơn giản theo đúng chân dung một nhà sư Khất Sĩ. Trong các vấn đề chi dụng Phật sự, Ngài không bao giờ lạm phí của Tam bảo. Trong sinh hoạt Giáo hội và Hệ phái cũng như Giáo đoàn, Đại đức luôn nhu hòa lễ độ nên được chư Tôn Hòa thượng thương yêu và tôn trọng. Những điều mà Ban trị sự Giáo đoàn chỉ đạo Đại đức luôn luôn tuân thủ không chút sai lệch. Đại đức luôn điều hành mọi việc theo tinh thần tập thể. Ngài luôn lấy tinh thần lục hòa và thanh tịnh làm phương châm trong lẽ sống của mình. Với đức khiêm cung và tinh thần tập thể đó, nên mặc dù xuất gia khi đã lớn tuổi nhưng Ngài luôn được chư huynh đệ kính trọng và nể nang.

Đối với hàng Phật tử tại địa phương, Đại đức tận tình hướng dẫn tu học đúng tông phong Khất Sĩ và theo đúng những lới đức Phật dạy. Tuy Đại đức không có khiếu văn chương nhưng những lời thuyết pháp của Ngài mang đậm nét chơn chất, thật thà xuất phát từ một tâm tu thuần tịnh. Thế nên, bao năm qua, chư thiện nam tín nữ nơi đây được tắm mình trong sự an lạc của hồng ân Tam bảo.

Đối với tự thân, mặc dù mỗi ngày mỗi già yếu, nhưng Đại đức vẫn hành trì kinh kệ và thiền tọa theo đúng thời khóa. Ngài thường xuyên nhập thất chuyên tu Giới – Định – Tuệ, làm cho thân tâm được an lạc và rủ sạch những bụi trần. Tấm gương tu tập của Ngài thật đáng để đời sau noi bước. Thật là:

                   Sư ngược đường, ngược nắng để chuyên tu

                   Ngược cả dòng đời dẫy đầy tham ác

                   Lái chiếc thuyền từ xuôi về bến giác

                   Bước du phương hóa độ bốn phương trời…

 III. THỜI KỲ THỌ BỆNH VÀ VIÊN TỊCH

Theo dòng phù sinh tan hợp của kiếp con người, mấy ai tránh được nhịp cầu sanh, trụ, dị, diệt. Do tuổi cao sức yếu lại thêm nhận nhiều trọng trách Phật sự nên sức khỏe ngày càng suy giảm, Đại đức đã mắc chứng bệnh gan lâu năm.

Vào năm 2005, chứng bệnh này bộc phát trầm trọng. Những tưởng Ngài đã không qua khỏi, nhưng do phước duyên nhiều đời, nhiều kiếp nên Ngài vẫn còn nhân duyên với chốn hồng trần. Do đó, thân thể Ngài bình phục và vượt qua cơn bạo bệnh hiểm nghèo.

Sau bức thông điệp của sứ giả vô thường ấy, Đại đức nỗ lực công phu để tu học ngày càng tinh tấn hơn. Tuy nhiên, con đường nào cũng có điểm dừng chân, cuộc hành trình nào cũng có ngày kết thúc. Vào năm 2013 cơn bệnh một lần nữa trở nặng. Vào tháng 6 cùng năm, hàng Phật tử đã chuyển Đại đức lên điều trị tại bệnh viện Đại học Y Dược với niềm hy vọng Ngài sẽ sớm vượt qua ách nạn này để trở về chăm lo Phật sự đang còn dang dở. Nào có ngờ đâu một lần ra đi là nghìn thu không trở lại. Mặc dù các y bác sĩ đã tận tình chạy chữa bằng mọi phương tiện y khoa tiên tiến nhất, nhưng vẫn không chiến thắng được định luật vô thường.

Đại đức đã vui vẻ dặn dò các đệ tử mang mình về nơi trú xứ trong giây phút cuối đời. Khi về nơi đây, Đại đức ân cần chỉ dạy và sắp xếp mọi việc cho môn đồ pháp quyến, sau đó Ngài từ giã xác thân tứ đại một cách an lành vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 17 tháng 06 năm Quý Tỵ, trụ thế 75 năm, hạ lạp 16 năm.

Trong giây phút cuối tiễn đưa Ngài về cảnh giới an lành có đầy đủ chư Tôn đức Ban trị sự Giáo đoàn, chư huynh đệ trong và ngoài Giáo đoàn cùng môn đồ pháp quyến. Tất cả đều tưởng nhớ đến cuộc đời của một vị Khất Sĩ đã xuất gia tu tập, hành đạo và để lại cho cuộc đời này một âm hưởng thoát trần, thấm nhuần đạo vị.

                    Trần gian vắng bóng một người

Y vàng gởi lại muôn đời noi gương

Liên đài nở cánh chơn thường

Trên hoa thêm một vầng dương giữa trời.

Đôi dòng tiểu sử xin thành kính tưởng niệm giác linh cố Đại đức Thích Minh Tâm, cầu nguyện giác linh sớm cao đăng Phật quốc.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.