GNO - Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo là một trong những vị nữ tu sĩ Phật giáo Tây phương nổi tiếng bậc nhất trên thế giới. Vào năm 1967, ở tuổi 21, Ni sư thọ giới tại tu viện Rumtek ở Sikkim từ Đức Karmapa thứ 16.
Một số vấn đề Phật giáo phương Tây ảnh 1
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Sau đó, Ni sư tiếp tục hạ thủ công phu và thực hành thiền định trong suốt 12 năm tiếp theo, với 3 năm nhập thất nghiêm ngặt một mình trong một hang động ở vùng núi tuyết Lahaul thuộc miền Bắc Ấn Độ. Vị thầy đầu tiên của Ni sư, Khamtrul Rinpoche, đã yêu cầu Ni sư thành lập một Ni viện, và cùng với sự chứng minh của Đức Dalai Lama, Ni sư đã thành lập tu viện Dongyu Gatsal Ling ở Ấn Độ.

Giờ đây, Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo đi khắp thế giới để giảng dạy Phật pháp, ủng hộ quyền bình đẳng và truyền cảm hứng cho những nữ giới trong Phật giáo cũng như những người Phật tử trên toàn thế giới. Dưới đây là một cuộc trò chuyện cùng Ni sư về những vấn đề trong Phật giáo ở phương Tây:

Là một trong những người nữ Tây phương đầu tiên quyết định xuất gia và trở thành một nữ tu sĩ Phật giáo, nhưng trong thời kỳ này, Phật giáo hầu như không được biết đến ở phương Tây, đặc biệt là ở Luân Đôn, cũng không có các trung tâm Phật pháp và hầu như không có bất kỳ vị thầy nào du hành như ngày nay. Làm thế nào mà Ni sư có thể tiếp xúc và có niềm tin mãnh liệt vào Phật giáo ở độ tuổi rất trẻ như vậy?

- Từ khi còn nhỏ, tôi đã tin rằng chúng ta vốn đã đầy đủ và toàn vẹn, nhưng chúng ta phải tiếp tục học tập và tìm tòi cho đến khi nhận ra sự hoàn hảo vốn có của mình. Tất nhiên, câu hỏi đặt ra là sự hoàn hảo này chính xác là gì và chúng ta phải làm thế nào để đạt được trạng thái đó?

Lúc tôi lên 18 tuổi, tôi tình cờ đọc được một cuốn sách và tiếp xúc với Phật pháp. Khi đọc được nửa cuốn thì tôi quay sang chỗ mẹ tôi và bảo với bà rằng: “Con là một Phật tử”. Mẹ tôi ngạc nhiên trả lời: “Con yêu à, hãy đọc cho trọn vẹn cuốn sách ấy rồi kể cho mẹ nghe về nó”. Lúc đó, tôi đã lờ mờ nhận ra rằng tôi là một người luôn theo tư tưởng của Phật giáo, nhưng trước đó thì hầu như tôi không chẳng biết rằng Phật giáo có mặt trên đời này; bởi vì vào những năm 1960, ở Luân Đôn, ngay cả từ “Phật” còn không được nhắc đến huống gì là giáo lý của Ngài.

Sau đó, tôi đã tìm hiểu và nhận ra rằng mình thiên về truyền thống Phật giáo Tây Tạng nhiều hơn, và khi tôi 20 tuổi, tôi đã đặt chân đến Ấn Độ. Vào ngày sinh nhật thứ 21, tôi đã gặp vị thầy quan trọng của đời mình, Khamtrul Rinpoche; và 3 tuần sau, tôi được xuất gia và đến học tập cũng như làm việc với ngài.

Không lâu sau đó, ngài bảo tôi hãy đến Lahaul ở miền Bắc Ấn Độ, nơi tôi đã ở lại trong 18 năm qua. Tôi chưa bao giờ thực sự băn khoăn về việc di chuyển từ London đến Lahaul. Tất cả dường như là một diễn biến tự nhiên. Ở London, tôi cảm thấy mình đã ở nhầm chỗ và muốn rời khỏi đó. Tôi đã tính đến việc đi Úc hoặc New Zealand, nhưng cả hai đều không khác nước Anh bao nhiêu, và tôi biết mình sẽ không thể ở đó. Cho đến khi tiếp xúc và học tập Phật pháp, tôi nhận ra rằng nơi tôi cần đến là chỗ có các bậc thầy tâm linh cư ngụ.

Tôi đã thành lập Ni viện Dongyu Gatsal Ling ở Ấn Độ và bắt đầu truyền bá Phật pháp ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều người bắt đầu quan tâm đến thực hành Phật giáo thông qua chánh niệm, điều mà Ni sư thường cho là một phần không thể thiếu trong đời sống Phật giáo. Chánh niệm có ý nghĩa gì đối với Ni sư và nó có tác dụng gì trong việc thực hành Pháp?

- Ngày nay, chánh niệm đã trở thành một từ phổ biến, nhưng nguyên tắc chung là cố gắng có ý thức và nhận biết rõ các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Điều này rất quan trọng. Việc chiêm nghiệm một số bài kệ rèn luyện tâm cũng rất hữu ích trong việc tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những vấn đề mà chúng ta gặp phải.

Dù là đang nhập thất hay ở ngoài xã hội, chúng ta đều nên nỗ lực để phát triển trạng thái tỉnh giác và chánh niệm càng nhiều càng tốt. Thất niệm, không định tâm hay “tâm vượn” chính là vấn đề chính của tất cả chúng sinh. Vì vậy, chúng ta cần phải thuần hóa tâm vượn này. Dù đang ở đâu hay làm bất cứ điều gì, chúng ta hoặc có ý thức hoặc không, hoặc là chúng ta nhận thức về hiện tại hoặc là thất niệm hoàn toàn chứ không có trạng thái nửa vời.

Lúc mới bắt đầu hành thiền, một trong những lời khuyên ý nghĩa nhất mà tôi từng nhận được từ các vị thiền sư là nên quán sát tâm ba lần mỗi giờ. Chúng ta cam kết với chính mình để dừng lại một lúc và quán sát xem tâm đang làm gì và chúng ta đang ở trong trạng thái tâm nào. Chỉ cần nhận biết mà không phán xét, dần dần chúng ta sẽ ngày càng quen với việc chánh niệm và ý thức được những suy nghĩ, các trạng thái tích cực và tiêu cực của tâm. Qua thời gian, chúng ta sẽ trở thành người chủ chứ không phải là nô lệ cho tâm.

Ni sư vừa đề cập đến cảm giác tuyệt vọng và bất lực, và đôi khi chúng ta có thể cảm nhận được điều đó ngay cả khi chúng ta là những người thực hành lâu năm. Vậy làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng bản thân khi cảm thấy bế tắc trong việc thực hành Pháp, thiếu năng lượng, hoặc khi cảm thấy dường như mình đã cạn kiệt nhiên liệu?

- Đầu tiên là chúng ta phải tươi vui lên một chút! Tôi thường nói rằng Ba-la-mật thứ bảy là khiếu hài hước. Nỗ lực và nhiệt tâm trong việc thực hành, nhưng chúng ta đừng quá nghiêm trọng hóa bản thân mình.

Ở đây, tôi nghĩ điều cần thiết là phải nhận ra rằng chúng ta thật may mắn khi được sinh ra làm người trên cõi Ta-bà này, nơi chúng ta có thể thực hành những pháp môn mình muốn, tìm hiểu và áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày để có được an lạc thực sự. Trình độ nhận thức này không dễ gì tích góp được trong vô lượng kiếp về trước, vì vậy chúng ta không nên coi đó là điều hiển nhiên. Thay vì vậy, chúng ta nên phát triển lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những gì mình có và đừng lãng phí nó, nếu không, chúng ta sẽ ra đi trong sự hối tiếc vô cùng.

Ngoài ra, tôi nghĩ vấn đề này cũng tương tự như công nghệ hiện đại ngày nay, bạn phải sạc lại pin cho mình. Tham gia các khóa tu hay thân cận và học hỏi từ những vị thầy truyền cảm hứng đều có thể giúp chúng ta nạp lại năng lượng. Sau đó, chúng ta có nhiệt huyết và năng lượng để có thể mang những thành tựu cũng như sở tri và sở chứng của mình để tu tập và hướng dẫn những người khác nữa.

Cuối cùng, Đức Phật luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những người bạn tốt, những thiện hữu tri thức xung quanh chúng ta. Mỗi cá nhân đều sống trong một xã hội hay cộng đồng, hay chí ít là một nhóm nhỏ nào đó có cùng chí hướng với mình. Vì vậy, thật tuyệt vời nếu chúng ta có một vài người bạn có cùng giá trị sống và có thể khuyến tấn và nhắc nhở nhau, để chúng ta thấy rằng mình không hề đơn độc và những điều chúng ta đang làm là phù hợp với hiện tại.

Nhiều người ở phương Tây cũng phải vật lộn với sự tự ti, lo lắng và trầm cảm. Người ta cho rằng các nước phương Tây đang phải đối mặt với “đại dịch cô đơn”. Phật giáo có cách nào để chuyển hóa những cảm xúc và tình trạng này hay không?

Có lẽ một trong những liều thuốc hiệu quả để đối trị trầm cảm, tự ti, cô đơn, v.v... là nhận ra rằng chúng ta thực sự có Phật tánh. Tất cả những tật xấu khác như giận dữ, ganh tỵ, tham lam chỉ đơn thuần là những thói quen mà chúng ta đã huân tập, chứ không phải là bản chất vốn có của con người chúng ta.

Chúng ta luôn nghe những lời khẳng định chắc nịch rằng khả năng của chúng ta rất hạn chế, đây là điều thực sự đáng buồn. Trên thực tế, tiềm năng của chúng ta là vô hạn. Bản chất và diệu dụng của tâm không thể lường được. Điều này vô cùng hữu ích bởi vì ngay cả khi một người nào đó không phải là Phật tử thuần thành cũng có thể trở thành phiên bản tốt hơn của hiện tại nếu biết được bản chất thực sự của tâm. sâu sắc hơn, và đó cũng là điểm chung và là mối liên kết của tất cả chúng ta.

Phật giáo giúp chúng ta loại bỏ tâm chấp ngã của mình để mở ra một điều gì đó rộng lớn hơn và thực sự có ý nghĩa hơn. Tất cả chúng ta có thể tiếp cận với điều này. Nó không đến nỗi quá khó khăn. Với một số hướng dẫn thực hành như vậy thì bất kỳ ai cũng có thể làm được.

Thiện Quang chuyển ngữ/Báo Giác Ngộ

Nguồn: giacngo.vn